'Tối hậu thư' cho các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội

Nửa cuối năm 2024, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, hướng tới mục tiêu thay đổi diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Công văn số 2154/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Siết chặt kiểm tra, quản lý

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND thành phố; các chương trình, kế hoạch, quyết định, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố có liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị nghiên cứu, áp dụng, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 2198/BXD-HĐXD ngày 21/5/2024 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, khu vực được phân công theo dõi, quản lý.

Hà Nội tiếp tục mạnh tay với vi phạm trật tự xây dựng (Ảnh minh họa)

Hà Nội tiếp tục mạnh tay với vi phạm trật tự xây dựng (Ảnh minh họa)

Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tổng hợp, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố biện pháp quản lý, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế theo quy định.

Thực tế cho thấy, với những giải pháp quyết liệt được triển khai thực hiện, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Còn nhớ, vào cuối năm ngoái, như VnBusiness đã phản ánh, lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã đồng loạt ra quân cưỡng chế, phá dỡ các công trình, homestay xây sai phép trên đất rừng phòng hộ, đặc biệt là khu vực đồi Dõng Chum (xã Minh Phú).

Theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra hơn 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí. Huyện Sóc Sơn cũng giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép và giải tỏa các lều lán xung quanh…

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả

Không chỉ ở Sóc Sơn, vấn đề quản lý vi phạm trật tự xây dựng đang được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đô thị hóa quá nhanh. Nhiều địa phương đang triển khai các lực lượng kiểm tra hàng tuần để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, bởi công nghệ xây dựng hiện nay có thể làm một ngôi nhà trong vài tuần, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn hơn.

Mới nhất, nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, huyện Ba Vì đã tập trung xử lý các vi phạm, đồng thời triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng phục vụ người dân.

Thời gian qua, công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện đã ra quân xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Cụ thể, trong tháng 5/2024, huyện đã tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục, tháo dỡ đối với nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 414C, đoạn đi qua địa bàn xã Thuần Mỹ và xã Ba Trại, huyện Ba Vì.

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng sẽ được xử lý quyết liệt, dứt điểm.

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng sẽ được xử lý quyết liệt, dứt điểm.

Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, TP. Hà Nội cần tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Qua hơn 5 năm triển khai, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết.

Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.

Xử lý quyết liệt, triệt để

Hiệu quả của mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là một trong những nhân tố giúp quá trình quản lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng có thêm những kết quả tích cực, qua đó góp phần xây dựng diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được củng cố, nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, tại Công văn số 2154/UBND-ĐT vừa ban hành, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các công trình vi phạm theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 và Văn bản số 3116/UBND-NC ngày 27/9/2023 của UBND thành phố, bảo đảm 100% các công trình thuộc diện rà soát phải được kiểm tra, xử lý dứt điểm theo quy định. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước UBND thành phố về kết quả thực hiện.

Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng cần được tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng các công trình theo đúng công năng, thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp.

Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa, hoặc chuyển đổi công năng, chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh (đặc biệt là các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, các cơ sở dịch vụ lưu trú...), phải thực hiện thiết kế về xây dựng, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng... theo đúng quy định pháp luật.

Phương Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/toi-hau-thu-cho-cac-cong-trinh-vi-pham-trat-tu-xay-dung-tai-ha-noi-1100860.html