Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất

Hiện nay, tình trạng đưa tạp chất vào tôm thương phẩm và chế biến, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Người dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết không sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất và không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ cho cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi tôm, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh tôm thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất tại địa bàn tỉnh. Thường xuyên, định kỳ tổ chức các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Từ tháng 1 đến ngày 30-7-2019, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các lực lượng có liên quan của tỉnh tổ chức lấy 120 mẫu tôm ở các vùng sản xuất, cơ sở kinh doanh tôm có nguy cơ cao sử dụng tôm nguyên liệu có tạp chất. Đồng thời, kiểm tra đột xuất 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn. Qua kiểm tra không phát hiện trường hợp nào vi phạm bơm tạp chất vào tôm để tiêu thụ tại địa bàn tỉnh. Tổ chức 3 lớp tập huấn tại các các huyện Tĩnh Gia, Nga Sơn và Hậu Lộc cho 180 người là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm về các văn bản quy định của Nhà nước về hành vi sử dụng tạp chất trong tôm nguyên liệu. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho chính quyền các địa phương biết cách kiểm tra, phát hiện tạp chất trong tôm. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thủy sản đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức ký cam kết chấp hành không đưa tạp chất vào tôm đối với các cơ sở, đại lý kinh doanh tôm và người nuôi tôm trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; chi cục đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất kết hợp kiểm tra ngăn chặn tạp chất theo chức năng nhiệm vụ được giao. Phối hợp với Công an tỉnh lấy mẫu tôm có dấu hiệu chứa tạp chất gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm, giám định các thành phần tạp chất đưa vào tôm làm căn cứ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đột xuất các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, công khai thông tin về các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuc-hien-cac-bien-phap-ngan-chan-san-xuat-kinh-doanh-tom-co-tap-chat/106788.htm