Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây vụ đông
Thời tiết từ đầu vụ đông đến nay ấm hơn so với trung bình nhiều năm, xen kẽ có các đợt không khí lạnh, kèm theo mưa nhỏ, sáng sớm có sương thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại. Cụ thể, trên cây cà chua, khoai tây xuất hiện bệnh mốc sương với tỷ lệ phổ biến 1-3%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời tiết từ đầu vụ đông đến nay ấm hơn so với trung bình nhiều năm, xen kẽ có các đợt không khí lạnh, kèm theo mưa nhỏ, sáng sớm có sương thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại. Cụ thể, trên cây cà chua, khoai tây xuất hiện bệnh mốc sương với tỷ lệ phổ biến 1-3%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%. Bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong thời gian tới, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh giả sương mai đã xuất hiện trên dưa chuột, bí xanh với tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 10-15%. Bệnh tiếp tục phát sinh mạnh trong thời gian tới. Bệnh héo xanh phát sinh cục bộ trên cà chua, khoai tây, tỷ lệ bệnh nơi cao 1-3%. Bệnh cháy lá vi khuẩn hại cục bộ trên rau, nơi cao 10-15%.
Sâu keo mùa thu gây hại cục bộ trên ngô, mật độ phổ biến 1-2 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, cá biệt như ở xã Liên Bảo (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc) từ 8-10 con/m2. Sâu tơ, sâu xanh bướm trắng gây hại trên rau, mật độ phổ biến 3-5 con/m2, cao 8-10 con/m2, cá biệt 15-20 con/m2, mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước. Bọ nhảy gây hại trên rau cải với mật độ phổ biến 10-20 con/m2, cao 30-40 con/m2, cục bộ 50-70 con/m2.
Ðể bảo đảm cho các loại rau màu vụ đông sinh trưởng, phát triển, các địa phương cần hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại; không để lây lan, phát triển ra diện rộng. Ðối với bệnh mốc sương (bệnh giả sương mai), tổ chức phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện bằng các loại thuốc chứa hoạt chất Azoxystrobin, Propineb và các hoạt chất khác… Bệnh héo xanh vi khuẩn trên cà chua, khoai tây, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi bột vào xung quanh gốc cây bị bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Khi ruộng đã bị bệnh không tưới tràn, không vứt cây bệnh bừa bãi hoặc xuống nguồn nước tưới, tránh lây lan mầm bệnh. Không phun thuốc phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bệnh cháy lá vi khuẩn trên rau họ thập tự hiện chưa có thuốc đặc trị. Ðối với sâu keo mùa thu trên ngô phun trừ khi mật độ sâu lớn hơn 4 con/m2, sâu tuổi 1-3, sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, hoạt chất khác. Ðối với sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, phun trừ khi sâu tuổi nhỏ với mật độ lớn hơn 10 con/m2; sử dụng loại thuốc ít độc, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học: chế phẩm Vi-BT 16 nghìn WP; thuốc chứa hoạt chất Emamectin benzoate, hoạt chất Abamectin, hoạt chất khác. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”./.