Thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện lao động
Xác định, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng trong lao động sản xuất, là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp, vì vậy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ. Theo đó, thực hiện tốt các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.
Xác định, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng trong lao động sản xuất, là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp, vì vậy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ. Theo đó, thực hiện tốt các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; đồng thời bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa, năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công Tháng hành động về ATVSLĐ với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và người lao động trên địa bàn. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: treo băng rôn hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; khám sức khỏe cho người lao động (NLĐ); rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội dung, qui trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố về ATVSLĐ... nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, NLĐ ngày càng được nâng cao.
Với qui mô mở rộng tới các phường, xã, thị trấn, khu vực làng nghề, khu vực nông thôn... Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 nói riêng, công tác ATVSLĐ nói chung đã có chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng được văn hóa ATLĐ, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ, tài sản của nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp... Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh có gần 12.000 người (thuộc các nhóm 1, 2, 3) được huấn luyện về ATVSLĐ; 3.663 người được bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật. Số vụ tai nạn và số người tử vong do tai nạn lao động giảm; công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ được cải thiện đáng kể...
Công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được Công ty cổ phần Ngọc Sơn Hà Nam (Trung Lương - Bình Lục) quan tâm. Ảnh: Ngọc Minh
Đánh giá về công tác ATVSLĐ năm 2022, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) không thực hiện hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ và mạng lưới vệ sinh viên ở các doanh nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm nên năng lực, bản lĩnh đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ còn hạn chế. Thiếu kiến thức cũng như kỹ năng xử lý bảo đảm ATVSLĐ của NLĐ và chủ sử dụng lao động cũng chính là một trong những rào cản trong công tác ATVSLĐ hiện nay ở các đơn vị, doanh nghiệp... Vì vậy, năm 2023, với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, Tháng hành động về ATVSLĐ đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhằm thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực hiện nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp..., Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023 đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, nhiều sự kiện và hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ sẽ được triển khai, thực hiện.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, năm 2023, để chương trình hành động về ATVSLĐ đạt hiệu quả cao, có trọng tâm, trọng điểm và có sự lan tỏa sâu rộng, trước tiên, các cấp, ngành, địa phương cần đổi mới và đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền trên nhiều kênh, từ truyền thông trực tiếp đến truyền thông đại chúng như: báo, đài, truyền hình, website, mạng xã hội, hệ thống các đài phát thanh cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ tới doanh nghiệp, người lao động.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của ngành, nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao, như: làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, an toàn hóa chất, điện... Về phía các doanh nghiệp cần chú trọng huấn luyện thực hành kỹ năng đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chủ động rà soát, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, thiết bị; thúc đẩy triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động. Trên cơ sở đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đối thoại về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy việc thực thi và tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tập trung quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 26/4/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, công tác ATVSLĐ mới thực sự đi vào nền nếp và hiệu quả.