Thực hiện các giải pháp đồng bộ hình thành khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư
Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ. Để từng bước xóa bỏ chăn nuôi tự phát, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đang từng bước triển khai các giải pháp di dời chăn nuôi ra xa khu dân cư, bảo đảm quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, góp phần phát triển kinh tế nông hộ, bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Anh Vũ Văn Quang, xã Lệ Xá (Tiên Lữ) đào ao thả cá để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, xa khu dân cư
Trang trại chăn nuôi tập trung của gia đình anh Phan Giang Đông ở xã Việt Hòa (Khoái Châu) có 3 dãy chuồng trại khép kín với trên 1 nghìn con lợn các loại. Từ ngày đầu tư chăn nuôi xa khu dân cư, đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí sản xuất. Anh Đông chia sẻ: Qua thực tế chăn nuôi, tôi nhận thấy, chăn nuôi xa khu dân cư thuận lợi trong việc áp dụng thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập, cung cấp số lượng hàng hóa lớn… Lợi nhuận từ chăn nuôi xa khu dân cư cao hơn từ 300 đến 500 nghìn đồng/con lợn/chu kỳ nuôi so với chăn nuôi trong khu dân cư.
Hiện nay, huyện Tiên Lữ có gần 470 nghìn con gia súc, gia cầm với trên 50 trang trại chăn nuôi. Để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch chung, bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư; tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư giảm mật độ đàn bảo đảm theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018… Đến nay, huyện đã cơ bản hình thành một số khu vực chăn nuôi xa khu dân cư tại các xã: Đức Thắng, Lệ Xá, Hưng Đạo. Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Từ thực tế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện cho thấy, các hộ bị thiệt hại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư. Việc phát triển chăn nuôi xa khu dân cư không chỉ giúp các hộ dân hạn chế rủi ro mà còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi lên từ 15 đến 20% so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này giúp địa phương có điều kiện phát triển các sản phẩm chủ lực từ sản phẩm chăn nuôi như: Giò, chả, xúc xích…
Huyện Phù Cừ là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh quy hoạch được 31 điểm chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư với tổng diện tích trên 213ha ở 14 xã, thị trấn. Mỗi vị trí quy hoạch bảo đảm từ gần 4 ha trở lên, bảo đảm điều kiện về khoảng cách với khu dân cư, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Để hoạt động chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung phát triển phù hợp quy hoạch, tránh chồng chéo, huyện hỗ trợ kinh phí cho các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, lồng ghép quy hoạch chi tiết về sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 100 triệu đồng/khu sản xuất tập trung để đầu tư xây dựng đường điện, khuyến khích các hộ dân phát triển theo khu vực quy hoạch…
Tuy nhiên, việc quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư ở các địa phương trong tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về đất đai, kinh phí xây dựng hạ tầng khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, chính sách khuyến khích người dân di dời chăn nuôi trong khu dân cư… Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 330/2022/NQ – HĐND (Nghị quyết số 330) quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để hoạt động chăn nuôi bảo đảm theo Luật và Nghị quyết số 330 của HĐND tỉnh, theo kế hoạch, trong tháng 3, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành lập đoàn khảo sát để xây dựng đề cương Đề án phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2040 để đánh giá thực trạng chăn nuôi ở các địa phương; khảo sát nhu cầu, nguyện vọng di dời chăn nuôi ra xa khu dân cư của các hộ dân; xây dựng giải pháp quy hoạch quỹ đất khu chăn nuôi tập trung của tỉnh. Các địa phương tăng cường tuyên truyền khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 330 của HĐND tỉnh, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi…
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư của gia đình anh Phan Giang Đông, xã Việt Hòa (Khoái Châu)
Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư hoạt động hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần phối hợp với đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho người chăn nuôi để các trang trại phát triển ổn định. Các hộ dân cần liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác về chăn nuôi để có đủ tiềm lực về tài chính, kiến thức nhằm xây dựng các trang trại quy mô lớn, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao.