Thực hiện các giải pháp đột phá, kéo giảm tai nạn giao thông

Sáu tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí, song, mối lo vẫn thường trực. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc là phải đổi mới công tác, thực hiện các giải pháp thực sự đột phá nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Chiều 17-7, Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCA.

Nhiều giải pháp mang tính đột phá

Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân còn nhiều hạn chế, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chậm...

“Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an thực hiện tốt chức năng tham mưu; triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Nhiều giải pháp có tính đột phá, đồng bộ, xuyên suốt đã được toàn lực lượng triển khai như: xử lý vi phạm nồng độ cồn; vi phạm về tốc độ, xe quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng...; cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, qua đó tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và cán bộ thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phát biểu tại hội nghị

Từ những đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cũng thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế gồm: Tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp lớn bảo đảm TTATGT; Tham mưu cho Bộ xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTATGT;

Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông; Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông; Đấu tranh, phòng chống hiệu quả với các loại tội phạm trên các tuyến giao thông...

Bên cạnh đó, toàn lực lượng cũng tập trung xử lý quyết liệt các vi phạm theo các nhóm chuyên đề cụ thể như: Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”, “Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”, “Vi phạm tốc độ”, “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”, “Xử lý vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn”…

Các đơn vị tập trung chuyên đề xử lý xe quá khổ, quá tải và "cơi nới" thành thùng phương tiện

Các đơn vị tập trung chuyên đề xử lý xe quá khổ, quá tải và "cơi nới" thành thùng phương tiện

Cục Cảnh sát giao thông cũng thông tin, thời quan qua, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị có liên quan trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện 107 vụ với 1.808 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao; tạm giữ 1.529 phương tiện, chuyển hồ sơ cho Công an các địa phương giải quyết. Đã xử lý hình sự 19 vụ với 114 đối tượng, trong đó, tổ chức đua xe trái phép - 1 vụ, 2 đối tượng; gây rối trật tự công cộng - 18 vụ, 112 đối tượng.

Triển khai các giải pháp đồng bộ, đảm bảo TTATGT

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02 của Bộ trưởng, đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ chiến sĩ CSGT trong việc thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản; các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các tuyến và lĩnh vực để nắm tình hình TTATGT và hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông, qua đó đã trực tiếp phát hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội.

“Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra nhiều; tình trạng phương tiện vận tải “cơi nới” thành thùng, chở quá khổ, quá tải có dấu hiệu hoạt động trở lại ở một số địa phương...” - Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh.

Do vậy, phát huy những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm từ những tồn tại, cũng như để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác công an năm 2023; Chương trình, Kế hoạch công tác và những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, 6 tháng cuối năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tập trung tham mưu, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Công an các địa phương cần tập trung đổi mới công tác để có những giải pháp thực sự đột phá nhằm kéo giảm tai nạn giao thông

Công an các địa phương cần tập trung đổi mới công tác để có những giải pháp thực sự đột phá nhằm kéo giảm tai nạn giao thông

Trong đó, nổi bật là triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”; cùng những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông” và các dự án thành phần theo lộ trình để hiện đại hóa công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông;

Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Đánh giá thực trạng và đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, TP.HCM và các địa phương giáp ranh;

Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông...

“Đề nghị lực lượng CSGT các địa phương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nhận định, phân tích, dự báo sát tình hình, làm rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát hợp với từng địa phương; không ngừng đổi mới công tác để có giải pháp thực sự đột phá trong 6 tháng cuối năm 2023” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung yêu cầu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuc-hien-cac-giai-phap-dot-pha-keo-giam-tai-nan-giao-thong-post546103.antd