Thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề
Trong quá trình CNH, HĐH, sản phẩm của các làng nghề chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc tìm giải pháp để phát triển bền vững các làng nghề là cần thiết...
Xưởng rèn tại làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc)
Năm 2005 làng nghề rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã được quy hoạch thành cụm làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc với diện tích hơn 3,5 ha. Bên lò lửa rực hồng, anh Kiều Văn Quang, chủ cơ sở rèn Quang Tân, cho biết: Có thời gian, các sản phẩm làng nghề rèn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại được nhập từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc... Không những thế, mẫu mã của các sản phẩm này đa dạng, giá thành lại rẻ hơn. Cũng theo anh Quang, để duy trì và phát triển nghề truyền thống của gia đình, anh đã nghiên cứu, đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, lại không độc hại cho người lao động và bảo vệ môi trường; sản phẩm tạo ra có chất lượng và mẫu mã đẹp. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế, như: Rèn bằng búa máy... Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Cũng theo anh Quang, nhờ đầu tư máy móc, nhiều gia đình trong làng nghề đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn.
Ông Phạm Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Tiến Lộc có gần 1.500 hộ phát triển nghề rèn, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Để phát triển làng nghề bền vững, bên cạnh hỗ trợ người dân về kỹ thuật rèn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, UBND xã còn tích cực tuyên truyền, kêu gọi người dân thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc, công nghệ hiện đại. Theo đó, toàn xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép, 20 xưởng sản xuất bánh lồng, 300 máy búa... Phát triển của các loại máy móc đã kéo theo sự thay đổi về hình thức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, liên kết sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày người thợ rèn Tiến Lộc có thể mài hàng trăm con dao chất lượng cao cùng với rất nhiều các sản phẩm khác để bán rộng rãi trên khắp cả nước và xuất khẩu đi các nước Thái Lan, Lào, Campuchia... Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại mà đời sống của người dân địa phương ngày càng được nâng lên.
Hiện nay, một số làng nghề đang phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh, như: Làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); làng nghề mây tre đan, xã Hoằng Thịnh, làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa)... Tuy đa dạng, phong phú về số lượng, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển các làng nghề, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường để tiếp tục tồn tại và phát triển. Khó khăn của các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối, mang tính thủ công là chính nên chưa đầu tư máy móc thiết bị, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng đang là một bài toán khó đối với các làng nghề vì đa phần người lao động chọn làm công nhân ở các doanh nghiệp vì có nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, việc liên kết giữa các cơ sở, các làng nghề còn nhiều hạn chế, chủ yếu là kinh doanh hộ, ít mô hình doanh nghiệp và HTX.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Nhận rõ thực trạng ấy, những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã có một số biện pháp thiết thực tạo động lực cho phát triển làng nghề, như: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, bảo tồn và phát triển làng nghề, kết hợp sản xuất gắn với du lịch làng nghề nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng các hình thức dạy nghề nhằm tạo ra những người có trình độ sản xuất, kinh doanh giỏi, có khả năng tiếp nhận những nghề mới, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi dạy nghề, truyền nghề. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, cụm công nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.