Thực hiện cải cách tiền lương đảm bảo thống nhất, công bằng
Thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, đảm bảo thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động và lưu ý đối với người nghỉ hưu và người có công với cách mạng.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định kết quả 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, đăng ký kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch và thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, các tháng đầu năm 2024.
Qua tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024, các đại biểu lưu ý tỷ giá lạm phát có xu hướng tăng; cầu tiêu dùng, đầu tư nhân, số doanh nghiệp tham gia thị trường, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu suy giảm.
Vì vậy, cần bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát tỷ giá, giá vàng, giá các mặt hàng thiết yếu không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chống thất thu, tích cực thu hồi nợ thuế, điều hành thu chi, bám sát dự toán, tiết kiệm hiệu quả, chống lãng phí, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội...
“Một vấn đề hết sức quan trọng là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công và các chính sách giảm nghèo; thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, đảm bảo thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động và lưu ý đối với người nghỉ hưu và người có công Cách mạng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tình trạng sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường, phòng, chống tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng...
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nghiêm minh.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức...
Trước đó, phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn tỉnh Lai Châu) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm điều chỉnh tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi các chế độ, chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ, chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ ngày 1/7.
Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng trong nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Qua đó đảm bảo cung, cầu thị trường cân đối, cân bằng, ổn định, đặc biệt là quản lý bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu nhằm hạn chế tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng...