Thực hiện chỉ huấn của Bác trong phòng, chống COVID-19

Phun hóa chất khử khuẩn tại một trường học ở TP Tuy Hòa, góp phần phòng chống COVID-19. Ảnh: YÊN LAN

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Người cho rằng, việc đảm bảo sức khỏe trước hết là trách nhiệm của mỗi người, tự mỗi người phải ý thức được việc này và ra sức tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe cho mình. Nhưng những lúc ốm đau, bệnh tật phải nằm viện thì trách nhiệm cứu chữa là thuộc về người thầy thuốc; hay khi có dịch bệnh gì thì việc ngăn ngừa dịch bệnh, phòng chống dịch là trách nhiệm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và ngành Y tế phải nhận lãnh trách nhiệm trực tiếp.

Người dặn Đảng và Nhà nước: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1).

Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ với đội ngũ cán bộ y tế rằng: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào… Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”(2).

Thực hiện di huấn này, ngành Y tế lấy ngày 27/2 hàng năm làm ngày truyền thống của mình và luôn tâm niệm lời dạy “Lương y phải như từ mẫu” của Bác. Ngoài ra, Bác còn dặn người thầy thuốc phải thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”; cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề”…

Những chỉ huấn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Chính phủ và ngành Y tế trong công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân có giá trị rất lớn về mặt tư tưởng trong thời điểm hiện nay. Có lẽ chưa bao giờ ngành Y tế kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt như năm nay, khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) đã gây ra những xáo trộn không hề nhỏ trong đời sống xã hội nói chung và ngành Y tế nước ta nói riêng.

Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc phòng chống dịch đặt trực tiếp lên vai ngành Y tế: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước về mặt chính sách, trực tiếp hướng dẫn nhân dân phòng tránh, giám sát phát hiện, cách ly, cứu chữa bệnh nhân và thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhằm phòng, chống COVID-19…

Ngành Y tế không đơn độc trong công tác này, đồng hành với họ là sự hỗ trợ tối đa của Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình và có trách nhiệm từ nhân dân. Trong một tháng qua, ngành Y tế đã nỗ lực vượt bậc để phòng, chống COVID-19 với những thành tựu nổi bật sau:

Tư vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách lớn đối phó với dịch, như: hạn chế tập trung đông người; dừng tổ chức lễ hội, kể cả các lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học, quyết định điều trị miễn phí bệnh nhân mắc COVID-19, cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày, thực hiện cách ly 4 vòng và lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona, cách ly một xã (Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều người nhiễm vi rút nhất cả nước, thành lập bệnh viện dã chiến…

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tăng cường truyền thông cho nhân dân để nâng cao ý thức, sự tự giác, tâm lý yên tâm trong phòng, chống bệnh. Nhờ đó đến nay, nhân dân rất tự giác phòng bệnh và không hoang mang trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch. Đa số người dân tin tưởng và chấp hành những chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế. Thậm chí nhân dân còn tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để dự phòng nếu dịch lan rộng, toàn dân ra quân dọn vệ sinh phòng dịch; nhiều tổ chức và cá nhân phát khẩu trang và dung dịch sát khuẩn miễn phí cho nhân dân, hỗ trợ nông dân “giải cứu” hàng hóa, nông sản không xuất khẩu được do dịch bệnh…

Thời gian qua, những tin giả, tin đồn thiếu suy nghĩ, không đúng về tình hình COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội chỉ là để giật gân, câu view, câu like của một số đối tượng đã bị các cơ quan chức năng xử lý triệt để. Những cá nhân vô đạo đức, thiếu lương tâm khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá một số mặt hàng phòng dịch đã bị nhân dân lên án và các cơ quan chức năng xử lý. Đây là những trường hợp thiểu số, không làm cản trở nỗ lực chống dịch của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế và nhân dân ta.

Đến nay, ngành Y tế nước ta tự tin đảm bảo cung cấp vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống COVID-19. Việt Nam là nước đầu tiên tìm ra cách phát hiện nhanh chủng mới của vi rút Corona trong vòng 70 phút, tiến đến sản xuất bộ kit để dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. So với nhiều nước trên thế giới thì đây là thành tích vượt bậc và rất đáng ghi nhận của ngành Y tế nước ta trong điều kiện còn khó khăn, hạn hẹp về nhiều mặt.

Có thể nói, hiện nay, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực của ngành Y tế Việt Nam, với sự tích cực của nhân dân, đặc biệt là những chỉ huấn mang tính dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần “Đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích… ”(3), chúng ta tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn COVID-19 và nhất định sẽ thành công.

---------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.518

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.476

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 343

TS NGÔ KHẮC SƠN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/235514/thuc-hien-chi-huan-cua-bac-trong-phong-chong-covid-19.html