Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW: Thay áo mới cho nhiều phum, sóc

Với việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về 'Tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới' - bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có thêm động lực để vươn lên.

Hơn 13% đồng bào KhmeR là hộ nghèo

Dân tộc Khmer sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, với Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư khóa VI về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã từng bước được cải thiện.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban Giám hiệu trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban Giám hiệu trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ

Tuy nhiên, do một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer còn bất cập, chưa đồng bộ, nguồn lực hạn chế, chậm được sửa đổi nên tại không ít địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng các hộ người Khmer thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khmer vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng... Kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, dân tộc Khmer có khoảng 302.664 hộ (hơn 1.393.547 người) nhưng số hộ nghèo chiếm 13,1%; 23,32% người Khmer không biết đọc, viết chữ phổ thông…

Tập trung quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào Khmer

Trước thực tế này, ngày 10/1/2018, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới với sự tham gia thực hiện của nhiều ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện Chỉ thị số 19, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đặc biệt, do vùng dân tộc Khmer có nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên Chính phủ đã dành sự quan tâm thường xuyên, huy động đa dạng các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương như: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An… cải thiện điều kiện sản xuất, giúp bà con bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn có được sinh kế mới hiệu quả hơn.

Với sự quan tâm này, cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, những ngôi nhà tạm bợ ở nhiều phum sóc đã được thay thế bằng những căn nhà kiên cố; các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản, trẻ em được chăm lo, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề, có việc làm tăng dần hàng năm; danh sách các hộ thoát nghèo của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… ngày càng xuất hiện thêm nhiều hộ là đồng bào Khmer. Hàng năm, các lễ hội cổ truyền, lễ hội Oóc-om-bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer được quan tâm, tổ chức trang trọng ở nhiều địa phương, góp phần duy trì bản sắc văn hóa, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer…

Đóng góp ý kiến, nâng cao hiệu quả đầu tư

Mới đây, Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc (UBDT) do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và chúc mừng Lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá cao những cố gắng của các địa phương trong việc vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, chịu khó lao động sản xuất cùng chính quyền xây dựng quê hương. Tiêu biểu như có những xã khó khăn, xã có trên 70% dân số là đồng bào Khmer đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới: Xã Tham Đôn (Sóc Trăng), xã Vĩnh Trạch (Bạc Liêu).

Với “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” sẽ được triển khai tới đây, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải yêu cầu các địa phương, Ban Dân tộc tiếp tục rà soát kỹ các số liệu, thông tin về nhu cầu đầu tư vào vùng DTTS trong giai đoạn sắp tới nhằm bảo đảm Chương trình đầu tư đến đúng đối tượng thụ hưởng và hiệu quả nhất. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải mong muốn, các vị chức sắc, Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm - nhất là tham gia đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa - để chương trình sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao cho vùng DTTS, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer.

P.T

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-chi-thi-so-19-cttw-thay-ao-moi-cho-nhieu-phum-soc-144641.html