Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong thời kỳ mới

Thời gian qua, việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong đó, tổ chức bộ máy của hệ thống các tòa án nhân dân (TAND), viện kiểm sát nhân dân (VKSNSD), cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và bổ trợ tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý hành chính với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND. Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng, dân chủ, công khai trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và đương sự. Ngoài ra, trong quan hệ với tòa án, VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức tòa án và tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xác định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp...

Tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và thực hiện Chiến lược CCTP giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp”. Đây là mục tiêu cơ bản và lâu dài của Chiến lược CCTP, phù hợp với yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, phần về CCTP, có những nội dung trong đó định hướng tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân... Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương CCTP, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức, thủ tục quản lý nhà nước về hoạt động tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Có thể thấy, trong thực tiễn của đời sống kinh tế, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý. Khi có tranh chấp xảy ra, người dân rất kỳ vọng vụ việc sẽ được giải quyết một cách công minh, khách quan và không được kéo dài. Bởi vậy, cần có chủ trương, biện pháp CCTP theo hướng rút ngắn về thủ tục, bảo đảm sự an toàn, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật và khả năng quản trị rủi ro pháp lý của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, để tiếp tục mục tiêu CCTP trong thời kỳ mới, cần xây dựng thể chế về hoạt động tư pháp phù hợp với thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong đó chú trọng hoàn thiện các thể chế về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp, như: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chấp hành viên... Tăng cường đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng các chức danh tư pháp về đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trung thực, quyết tâm cao và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, chống lạm dụng quyền lực; kiên quyết nhưng phải thận trọng, không được để xảy ra oan, sai. Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương CCTP vừa qua để xây dựng phương hướng hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và tình hình mới. Bên cạnh đó, cần quy định nội dung về việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp để bảo đảm sự thích ứng cần thiết trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam trước tác động ngày càng rõ nét của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TS DƯƠNG THANH BIỂU, Nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thuc-hien-chien-luoc-cai-cach-tu-phap-trong-thoi-ky-moi-647069