Thực hiện chính sách người có công với nước theo Di chúc Bác Hồ
Rất quan tâm đến chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ (TB & GĐLS), nên từ ngày 'Thương binh toàn quốc' ra đời (sau đổi thành ngày thương binh liệt sĩ) cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết 25 bức thư động viên thăm hỏi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo công tác 'Đền ơn đáp nghĩa'. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào phải trân trọng, chăm lo đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Trong Di chúc, phần nói về người có công với nước (NCC), Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ, và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “ tự lực cánh sinh” … “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”… “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
50 thực hiện những điều căn dặn của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo TB, GĐLS và NCC với nước như: Pháp lệnh đối với người có công; Pháp lệnh về phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; Phát động các phong trào về chăm sóc TB, GĐLS, đỡ đầu nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho các đối tượng NCC, bố trí giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng khó khăn...
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã lan rộng từ Trung ương đến các cấp, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp… trong cả nước với mục tiêu, trách nhiệm rõ ràng, nội dung cụ thể, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng như: Tuổi trẻ thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hàng năm tổ chức “Lễ thắp nến tri ân” tại các đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sỹ để tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc; các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiêp… tổ chức các phong trào quyên góp ủng hộ, thăm hỏi tặng quà các TB, GĐLS nhân các ngày lễ lớn trong năm nhất là vào dịp 27/7, Tết Nguyên đán… thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia; thực hiện các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc TB nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Đặc biệt, chương trình xây dựng các công trình tưởng niệm, ghi ơn các liệt sĩ đã được đẩy mạnh; hiện nay, cả nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và hầu hết các xã đều có các nhà tưởng niệm liệt sĩ, trong đó nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành những công trình văn hóa lịch sử, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ… Cùng với đó, bản thân TB cũng phấn đấu vươn lên theo lời Bác dặn, nhiều người không những là tấm gương sáng về rèn luyện, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống mà còn trở thành những mẫu mực về đức độ và điển hình về lao động...
Riêng tỉnh Lâm Đồng hiện đang có 36.256 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách NCC, trong đó có 4.519 gia đình liệt sĩ, 240 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 04 Anh hùng LLVTND, 3.842 thương binh, 1.909 bệnh binh, 77 cán bộ lão thành cách mạng, 108 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.315 người có công với cách mạng, 2.106 người bị nhiễm chất độc hóa học... Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chăm lo NCC; tuyên truyền vận động, huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ nguồn vốn sản xuất; dạy nghề giải quyết việc làm cho các đối tượng… Đồng thời, tập trung rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC theo Chỉ thị 23/2013/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn xem xét, xử lý những trường hợp hưởng chế độ không đúng đối tượng quy định, tiếp tục giải quyết chính sách cho những đối tượng chưa được hưởng chế độ... Đến nay, đối tượng NCC ở Lâm Đồng cơ bản đã có cuộc sống ổn định, với mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú; nhiều gia đình trở thành những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh…
Có thể khẳng định chăm lo TB, GĐLS và NCC với nước là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với di huấn Bác Hồ. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện trách nhiệm đối với NCC theo Di chúc Bác Hồ, đòi hỏi các cấp ủy đảng, ban, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về ưu đãi NCC và thân nhân của họ; phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc NCC; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCC thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…; tạo điều kiện cho NCC và gia đình họ học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống...
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC; xử lý, giải quyết dứt điểm những trường hợp còn tồn đọng, sai sót...; thực hiện chính sách hỗ trợ NCC về nhà ở, hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC, tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ…
Thứ ba, thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm; giải quyết thấu đáo đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC; điều tra, xử lý, kết luận theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi NCC, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách; kiên quyết đình chỉ việc thụ hưởng chế độ và thu hồi khoản tiền hưởng sai chế độ; tăng cường chỉ đạo Hội đồng Giám định y khoa các cấp hoạt động hiệu quả, khám giám định đúng đối tượng…
Thứ tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng NCC trên địa bàn xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra công tác ủy quyền nhận trợ cấp ưu đãi của đối tượng chính sách NCC đảm bảo đối tượng được lĩnh đầy đủ, kịp thời, tránh sai sót, thiếu trợ cấp. Quan tâm tuyển chọn công chức có đủ điều kiện về tiêu chuẩn có khả năng tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả chế độ chính sách NCC trên địa bàn.
Thứ năm, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đối với NCC; giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và việc giải quyết những vấn đề tồn tại qua tổng rà soát; tiếp nhận ý kiến của nhân dân, phát hiện những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi NCC để phản ánh đến các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, bảo đảm các chế độ ưu đãi đối với NCC được thực thi nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và công bằng.
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và thực hiện căn dặn trong Di chúc của Người, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đem lại hạnh phúc cho NCC. Điều đó vừa thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội đối với TB, GĐLS và NCC; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước bền vũng.