Thực hiện chủ trương chủ nhiệm ủy ban kiểm tra không phải là người địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động, chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác kiểm tra, nhất là quy định thực hiện chủ trương chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã không phải người địa phương.

Sáng 14/7, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn công tác kiểm tra, giám sát năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 43.500 đại biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của toàn ngành kiểm tra đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Kết quả nổi bật là việc ngành kiểm tra nắm tình hình, đôn đốc, kiểm tra các chuyên đề lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là việc phân cấp, phân quyền, tinh gọn bên trong bộ máy, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; chuyển đổi số; đôn đốc, thực hiện các thông báo kết luận kiểm tra, giám sát; thẩm định, cho ý kiến công tác cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và nhân sự cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp xã mới; kiện toàn về nhân sự ủy ban kiểm tra các cấp...

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐCS.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐCS.

“Qua đánh giá chung, khi triển khai giám sát các nghị quyết đã giúp các cấp ủy đảng nắm rõ hơn nội hàm của nghị quyết, giải pháp thực hiện, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh những kết quả chưa đạt được, đồng thời báo cáo và nhân rộng những cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả; đôn đốc những nơi chưa áp dụng đúng quy định hoặc triển khai không phù hợp trong quá trình thực hiện… Đặc biệt đảm bảo công tác giám sát, thẩm định được nhanh chóng, kịp thời, nhất là các vấn đề nhân sự trong hợp nhất các tỉnh, xã và các cấp ủy mới được thành lập”, ông Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Duy Ngọc nêu, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đã vận hành từ ngày 1/7/2025. Hệ thống quy định của Đảng, trong đó có quy định về công tác kiểm tra, giám sát và quy định pháp luật của Nhà nước đã được ban hành kịp thời, đảm bảo thể chế để vận hành tổ chức bộ máy của chính quyền 2 cấp, nhất là quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động, chủ trì tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định, quy chế, hướng dẫn. Trong đó, Quy định số 296-QĐ/TW ngày 30/5/2025 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là quy định cốt lõi, nền tảng, xuyên suốt trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, của toàn ngành kiểm tra với nhiều điểm mới, nhất là quy định và thực hiện chủ trương chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã không phải người địa phương; thành lập mô hình tổ chức ủy ban kiểm tra 3 cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã), quy định số lượng biên chế, thành viên chuyên trách, giải pháp trong tình hình mới đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tổ chức, bộ máy ngành Kiểm tra Đảng đã được sắp xếp, tổ chức theo đơn vị hành chính, phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tính đến 11/7/2025, toàn ngành có hơn 18.600 cán bộ, công chức, trong đó hơn 11.137 người chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Trước thực trạng đó, theo ông Ngọc, việc bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ lực lượng ngành Kiểm tra nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ ngành Kiểm tra Đảng nắm vững các quy định mới và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là hết sức cần thiết.

Theo chương trình, hội nghị tập trung truyền đạt, trao đổi về 4 chuyên đề trọng tâm: Những điểm cơ bản của Quy định số 296-QĐ/TW, ngày 30/5/2025 và Hướng dẫn số 08-HD/TW, ngày 10/6/2025; Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp gắn với việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát; Một số vi phạm điển hình, chủ yếu thường gặp được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát; Công tác chuyển đổi số của ngành Kiểm tra Đảng.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuc-hien-chu-truong-chu-nhiem-uy-ban-kiem-tra-khong-phai-la-nguoi-dia-phuong-post1760084.tpo