Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Gặp bộn bề khó khăn

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 3 năm học, từ 2020-2021 đến 2022-2023 theo hình thức "cuốn chiếu" đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Tuy đây là chương trình hướng đến những mục tiêu tích cực, nhưng quá trình thực hiện lại thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất và con người nên vẫn còn đang trong cảnh bộn bề khó khăn.

Nhiều khó khăn

Để triển khai chương trình, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã thực hiện lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên (GV) phổ thông, trong đó có GV tiểu học; chuẩn bị đội ngũ GV Tiếng Anh, Tin học (2 môn bắt buộc đối với lớp 3) để dạy học từ năm học 2022-2023. Các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo số lượng và cơ cấu GV, biên chế đủ GV dạy lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Ở cấp tiểu học, số lượng GV dạy môn Tiếng Anh toàn tỉnh tăng 20 người, môn Tin học tăng 15 người so với năm học trước. Cán bộ quản lý, GV đã được bồi dưỡng các nội dung liên quan đến Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa nhằm đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình...

Tiết học của học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Cam Linh, TP. Cam Ranh năm học 2022-2023.

Tiết học của học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Cam Linh, TP. Cam Ranh năm học 2022-2023.

Tuy vậy, khi vào thực tế giảng dạy không tránh khỏi lúng túng. Thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa được trang bị đầy đủ; nhiều trường còn thiếu thiết bị để dạy Tin học, thiếu phòng tin học, ngoại ngữ... Ở cấp tiểu học, nhiều GV nhận xét chương trình thể hiện được những điểm tích cực, giao quyền và trách nhiệm cho nhà trường nhiều hơn, nhưng đồng thời GV và nhà trường lại vất vả hơn so với trước. Chẳng hạn, ở lớp 1, số lượng sách học khá nhiều; chương trình có ngày dạy 3, 4 vần; bài tập đọc dài; học kỳ 2 đã phải viết chữ hoa trong khi độ tuổi này nhiều em còn gặp khó khăn trong viết chữ thường; chương trình chính tả nghe - viết khá nặng, vì nhiều em còn chưa nhớ hết âm vần chữ hoa đã học…

Ở cấp THCS, chương trình mới có sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên, xây dựng trên nền tảng tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, được coi là cầu nối giữa môn tự nhiên và xã hội ở cấp tiểu học và Vật lý, Hóa học, Sinh học ở cấp THPT. Nhưng vì GV chỉ được đào tạo đơn môn nên mới có chuyện 1 môn Khoa học tự nhiên có tới 3 GV cùng giảng dạy, cùng đánh giá. Ở cấp THPT, tuy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nội dung hoạt động giáo dục bắt buộc nhưng không có GV chuyên trách, GV chưa được đào tạo nên hiệu quả không cao. Còn Giáo dục địa phương cũng là môn bắt buộc lại có đến 7 phân môn khác nhau (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế pháp luật, Sinh học), cần đến 6 GV dạy, kiểm tra, vào điểm chung, khiến cho việc bố trí, sắp xếp thời khóa biểu, phân công GV của các trường gặp khó.

Việc thêm các môn học mới cũng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở các cấp học. Đội ngũ GV các môn học lựa chọn cấp THPT không ổn định, liên tục biến động do phụ thuộc vào sự chọn lựa của học sinh. Các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ GV, do các trường đào tạo không tuyển sinh được sinh viên đáp ứng nhu cầu và thời gian đào tạo kéo dài 4 năm, không kịp thời để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong chỉ đạo nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT đối với một số môn học mới, nhiều công việc khó được giao quyền tự chủ cho nhà trường.

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa ở các cấp học cũng nảy sinh không ít những bất cập. Nhiều trường học chọn cùng lúc các đầu sách trong những bộ sách khác nhau, dẫn đến tình trạng phụ huynh loay hoay khi mua sách cho con mình vào đầu năm học. GV, nhà trường cũng bị động, quá tải trong việc phải đọc, lựa chọn quá nhiều bộ sách. Đó là chưa kể giá sách ở mức cao so với nhiều gia đình, học sinh chuyển trường lại phải mua bộ sách khác vì mỗi trường chọn một bộ khác nhau…

Cần có giải pháp căn cơ

Khó khăn, bất cập trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn rất nhiều. Sở GD-ĐT đã đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh Thông tư số 36/2018 của Bộ Tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi, Thông tư số 36 quy định ngân sách nhà nước chỉ chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; riêng đối với đối tượng viên chức phải chi trả bằng nguồn thu sự nghiệp đơn vị. Căn cứ theo quy định này, các trường phổ thông công lập không có khả năng cân đối kinh phí để cử tất cả cán bộ quản lý và GV tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo yêu cầu của ngành. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với GV 2 môn Tiếng Anh, Tin học; đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho GV 2 môn này. Ngoài ra, kiến nghị xem xét có chính sách hỗ trợ giá cho sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Bộ GD-ĐT tăng cường hơn nữa các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV để đáp ứng việc thay đổi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Chặng đường tiếp theo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các GV, nhà trường nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung còn rất nhiều việc phải làm. Nếu không có những giải pháp căn cơ, đồng bộ thì việc thực hiện một chương trình hướng đến những mục tiêu tốt đẹp sẽ chỉ mang tính chắp vá.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202308/thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-gap-bon-be-kho-khan-89665b2/