Thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Toàn tỉnh hiện có 25 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) cấp I, 42 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch, 222 ATM, 412 điểm chấp nhận thẻ (POS), trên 6.000 tổ vay vốn và tiết kiệm (VV và TK) của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Toàn tỉnh hiện có 25 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) cấp I, 42 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch, 222 ATM, 412 điểm chấp nhận thẻ (POS), trên 6.000 tổ vay vốn và tiết kiệm (VV và TK) của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội. Để đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của người dân, thời gian qua các TCTD, QTDND đã không ngừng nỗ lực cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, quản lý chặt chẽ, an toàn nguồn vốn.
Đến hết tháng 9-2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 92.016 tỷ đồng, tăng 4.881 tỷ đồng (5,6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 90.096 tỷ đồng, tăng 9.159 tỷ đồng (bằng 11,3%) so với đầu năm. Nợ xấu 292 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ cho vay, đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của NHNN. Các QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, an toàn. Năm 2022, tổng huy động tiền gửi tiết kiệm của 42 QTDND ước đạt 4.700 tỷ đồng (bình quân vốn huy động tiết kiệm của 1 QTDND đạt 111,9 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 5,1% tổng nguồn vốn huy động các TCTD trên địa bàn, tăng 412 tỷ đồng (9,6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 4.240 tỷ đồng (bình quân dư nợ 1 QTDND đạt 101 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 4,6% tổng dư nợ các TCTD trên địa bàn, tăng 383 tỷ đồng (9,9%) so với đầu năm. Nợ xấu chiếm 0,4%/tổng dư nợ. Hiện tại, các QTDND có 39.546 thành viên, tăng 1.854 thành viên (4,92%) so với đầu năm.
Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các QTDND triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tại Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31-1-2019. Đồng thời, tổ chức sơ kết Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Chỉ đạo các QTDND xây dựng quy định chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; xây dựng thang bảng lương, phụ cấp phù hợp với kết quả kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không hạ thấp các điều kiện cấp tín dụng, phản ánh trung thực, khách quan nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định; nâng cao năng lực tài chính nhằm gia tăng khả năng chịu đựng trước những khó khăn và các rủi ro có thể xảy ra… Tập trung đánh giá, nhận diện, phân loại các QTDND yếu kém để có biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xử lý những tồn tại, yếu kém của QTDND. Trong 9 tháng năm 2022, Thanh tra NHNN tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 30 đơn vị, gồm 20 cuộc thanh tra (2 cuộc thanh tra đột xuất) và 10 cuộc kiểm tra (8 cuộc kiểm tra đột xuất). Qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra NHNN tỉnh đã đưa ra 202 kiến nghị; xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị, số tiền xử phạt là 162 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra NHNN tỉnh còn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng các quy định. Sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi, đôn đốc việc chỉnh sửa, khắc phục những sai phạm được quan tâm từ khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc - nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Từ đó, đã giúp các quỹ nhanh chóng khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém. Đồng thời, xử lý nghiêm các TCTD không thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống các TCTD trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống QTDND vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nội tại cần sớm được điều chỉnh, khắc phục để phát triển bền vững hơn. Một vài QTDND vẫn chưa bám sát tôn chỉ, mục tiêu hoạt động, còn có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, các quy chuẩn về kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa được coi trọng, do vậy vẫn còn tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động. Trình độ của một số cán bộ, nhân viên QTDND còn yếu, công tác thẩm định và kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay của thành viên còn hạn chế, chưa phát hiện hết các sai sót trong hoạt động. Cán bộ chủ chốt tại một vài QTDND chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp; chưa chấp hành nghiêm túc theo đúng các quy định của pháp luật trong quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động. Một số QTDND qua rà soát, sắp xếp cán bộ chuẩn hóa theo Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14-11-2019 của NHNN đã phát hiện một số hạn chế như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc chưa đáp ứng đủ điều kiện; một số đơn vị Quỹ thiếu thành viên Ban kiểm soát…
Để tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ngày 8-6-2022 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 689/QĐ-TTg. Theo đó, ngày 19-9-2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 130/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Kế hoạch 130/KH-UBND, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, tài liệu và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động kinh doanh, quản trị, điều hành và năng lực cạnh tranh. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo NHNN Chi nhánh tỉnh đầy đủ, kịp thời, trung thực kết quả, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và đề xuất những biện pháp xử lý nợ xấu (nếu có). Triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong tương lai. Các QTDND tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; đảm bảo hoạt động QTDND đúng tính chất và mục tiêu hoạt động của tổ chức tín dụng dưới hình thức hợp tác xã. Các chi nhánh tổ chức tài chính vi mô chủ động triển khai các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Hội sở chính, tự kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh để hoạt động an toàn, hiệu quả; mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô đa dạng, linh hoạt, phù hợp với năng lực quản trị, khả năng tài chính và nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng trong việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra ngân hàng để kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động của TCTD./.
Bài và ảnh: Đức Toàn