Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo

Các địa phương muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải bắt đầu ổn định từ cơ sở, phải xuất phát từ cơ sở. Trong ảnh: Cử tri thị trấn Chí Thạnh nêu những vấn đề bức xúc chưa được địa phương giải quyết tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: THÚY HẰNG

Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở là nhân tố quan trọng tạo đồng thuận xã hội, góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ sở.

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Tổ bầu cử số 5 đã chia sẻ như vậy tại hội nghị tiếp xúc cử tri thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) vừa qua.

Nhân tố quan trọng tạo đồng thuận xã hội

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, huyện trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khóa VIII và HĐND huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), 12 lượt ý kiến với gần 50 nội dung đã được các cử tri đề nghị huyện, tỉnh quan tâm, giải quyết, tập trung vào các lĩnh vực như quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, công tác cán bộ…

Kết quả này có được là nhờ trước đó ủy ban MTTQ huyện yêu cầu ủy ban MTTQ các xã, thị trấn tuyên truyền về thời gian, địa điểm, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tiếp xúc cử tri; đồng thời cung cấp địa chỉ fanpage của mặt trận để cử tri truy cập tìm hiểu, có sự nghiên cứu chuẩn bị, đóng góp ý kiến.

Đặc biệt, trước khi tiếp xúc cử tri 10 ngày, ban công tác mặt trận phối hợp với trưởng thôn, khu phố tổ chức các cuộc họp vào buổi tối hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật để nắm bắt tình hình dư luận và lắng nghe ý kiến của người dân để tổng hợp báo cáo ủy ban MTTQ cấp xã.

Theo đánh giá của đồng chí Lê Tấn Hổ, những ý kiến mà cử tri nêu đã phản ánh toàn diện tâm tư, nguyện vọng của bà con gửi đến đại biểu dân cử. Đáng chú ý là các ý kiến của cử tri lần này không có nhiều nội dung mới so với các kỳ tiếp xúc trước đó. Điều này cho thấy những bức xúc cũ mà cử tri đã nêu trước đó chưa được chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo.

“Thực hiện dân chủ ở cơ sở với giải quyết khiếu nại, tố cáo có tác động qua lại lẫn nhau. Nếu người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở thì nơi đó ít phải nhận và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; ngược lại, nơi nào không thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở thì sẽ có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở là nhân tố quan trọng tạo đồng thuận xã hội, góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ sở”, đồng chí Lê Tấn Hổ nói và nhấn mạnh: “Các địa phương muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải bắt đầu ổn định từ cơ sở, phải xuất phát từ cơ sở, có như vậy mới bảo đảm cho sự gắn kết, thống nhất bền vững giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu Đặng Hồng Giang cho hay: Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ các cấp trên địa bàn thị xã luôn củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát của cộng đồng, xây dựng 92 tổ hòa giải với 620 thành viên. Đồng thời, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn chủ động đề xuất với Đảng, phối hợp với chính quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả nhất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bám sát địa bàn cơ sở

Thời gian qua, ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp giám sát việc công khai những nội dung người dân được biết, được bàn, các quy định, quy chế, thủ tục hành chính của chính quyền địa phương, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự án đầu tư tại địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự toán, quyết toán ngân sách; chính sách hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân; trình tự thủ tục hành chính liên quan; việc sử dụng các khoản quỹ, khoản do người dân đóng góp... Ủy ban MTTQ các cấp còn tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tham gia đối thoại, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn khu dân cư…

“Song song với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên còn bám sát địa bàn cơ sở, sâu sát với đời sống của người dân để nắm chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, của hội viên, đoàn viên. Ở đâu cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thì ở đó việc thực hiện dân chủ cơ sở có nề nếp, thực chất”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay.

Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy phương thức hoạt động của mặt trận ngày càng đổi mới, thiết thực, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền, thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023…

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300532/thuc-hien-dan-chu-o-co-so-gop-phan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao.html