Thực hiện 'đặt hàng', giao việc cho người đứng đầu: Giải quyết việc khó ở cơ sở

Nhiều việc 'giậm chân tại chỗ', kéo dài nhiều năm đã có những chuyển biến tích cực khi Thường trực Tỉnh ủy thực hiện 'đặt hàng', giao việc cho người đứng đầu một số địa phương. Từ đây, việc đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân được những người đứng đầu địa phương tập trung thực hiện, góp phần giải quyết các việc khó, tồn đọng kéo dài.

1. Sau Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, UBND tỉnh ban hành Quyết định 398/QĐ-UBND, ngày 21-10-2013 về việc ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí) trên địa bàn tỉnh. Trong khi tại nhiều địa phương, việc chấm dứt sản xuất tại các lò gạch thực hiện tương đối dễ dàng, do mỗi địa phương chỉ có vài lò thì tại Hàm Yên, việc chấm dứt sản xuất các lò gạch thủ công khó khăn hơn, khi việc sản xuất gạch thủ công là kế sinh nhai của cả một thôn.

Đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, cho biết địa phương tập trung gần 80 lò gạch thủ công của 40 chủ lò tại khu vực thôn An Lâm là nguồn thu nhập chính cho bà con và thu hút một lượng lớn lao động tại địa phương. Nhiều bà con sau khi được phổ biến chủ trương, chính sách, mặc dù nhận thấy việc sản xuất gạch thủ công tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và những người xung quanh, nhưng vì nhiều lý do, chưa chấm dứt sản xuất một cách triệt để.

Một buổi đối thoại giữa tổ giúp việc bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Na Hang với người dân.

Một buổi đối thoại giữa tổ giúp việc bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Na Hang với người dân.

Theo đồng chí Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, ngay sau khi Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đột phá cho huyện Hàm Yên nói chung và cá nhân ông nói riêng về việc phải chấm dứt được hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn, ngày 3-12-2019, UBND huyện Hàm Yên ban hành Kế hoạch thực hiện xóa bỏ các lò gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn. Giải pháp của huyện là tăng cường đối thoại, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến từng hộ sản xuất. Đồng thời, Hàm Yên thành lập một tổ giúp việc trực tiếp giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các chủ lò gạch.

Theo ông Thơ, sau nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền, vận động, hầu hết các chủ lò gạch đã ký cam kết chấm dứt hoạt động và xóa bỏ lò gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công. Những hộ gia đình dừng hoạt động, tháo dỡ lò gạch sẽ được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho lao động tại đây, Hàm Yên làm việc với một số doanh nghiệp xây dựng sản xuất tại Thái Sơn, đào tạo, chuyển đổi nghề cho phù hợp với tình hình thực tế. Những diện tích đất ở khu vực sản xuất san lấp, cải tạo lại sẽ được đo đạc, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ hộ khi đã tháo dỡ lò gạch để phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ phù hợp với quy hoạch và phải đảm bảo các quy định về môi trường.

Đối với khối lượng đất, than và gạch mộc… một số chủ lò đã chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán nhưng do thời tiết mưa nhiều, các chủ lò chưa đốt được, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đinh Công Thơ đề xuất các chủ lò tự trao đổi, thỏa thuận, phối hợp với nhau để đốt nung hết số gạch mộc còn tồn. Đối với các lò không còn tồn gạch mộc và các lò đã ngừng hoạt động thì thực hiện tháo dỡ xong trước ngày 15-2. Những lò không tự tháo dỡ UBND huyện sẽ tiến hành cưỡng chế sau thời gian này đến hết ngày 31-3.

2. Công trình kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang dài trên 1,13 km từ chân đập thủy điện Tuyên Quang đến khu vực chợ Na Hang dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo thống kê, có 92 hộ gia đình và 8 tổ chức nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Theo đồng chí Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang, công trình này góp phần bảo vệ phần hạ lưu nhà máy khi việc xả nước để phát điện và phục vụ cho việc cứu hạn đã gây sạt lở đất, làm mất đất sản xuất và ngập úng hư hại nhiều diện tích cây trồng của nhân dân sống 2 bên bờ sông Gâm, thị trấn Na Hang khu vực hạ lưu Nhà máy. Nghiêm trọng nhất, nhiều hộ bị sạt lở đến sát nhà và xuất hiện những vết nứt ở sân, nền, tường nhà… Ngay sau khi được Trung ương bố trí vốn tiếp tục dự án, cuối năm 2019, huyện đã họp xét, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các tổ chức, hộ gia đình, tổng diện tích đã có quyết định thu hồi từ trên 74 nghìn m2.

Tuy nhiên, việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2020, đồng chí Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp không di dời xong trước tháng 2 - 2020. Cũng như Hàm Yên, cách làm của Na Hang là tăng cường đối thoại, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người dân, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để giải quyết các kiến nghị từ phía các hộ dân.

Quan điểm của Thường trực Huyện ủy là dân chủ, bàn bạc trong tập thể, theo tinh thần đúng quy định của pháp luật và có lợi nhất cho dân. Cách làm này được Na Hang áp dụng từ hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng kè bờ sông Gâm đến các công trình quan trọng khác như công trình đường giao thông và công trình Quảng trường và Nhà văn hóa thể thao thuộc Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang lên thị xã Na Hang… Từ các cuộc đối thoại, huyện bóc tách được các kiến nghị và giải quyết theo nhóm vấn đề, từ việc xác định nguồn gốc sử dụng đất đến các yêu cầu về chính sách hỗ trợ, bố trí điểm tái định cư theo tinh thần dễ làm trước, khó làm sau.

Đồng chí Tô Viết Hiệp, Quyền Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, sau chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện thành lập một tổ công tác ngoài Hội đồng Giải phóng mặt bằng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia đối thoại, giải quyết vướng mắc.

Tập trung, quyết liệt từ quý IV-2019, đến hết ngày 12-2, dự án kè bờ sông Gâm, đã có 69 hộ gia đình nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, 19 hộ nhận đất tái định cư; dự án đường giao thông thuộc Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang lên thị xã Na Hang đã có 411/487 hộ gia đình, cá nhân nhận bồi thường; công trình Quảng trường và Nhà văn hóa thể thao đã có 9/13 hộ gia đình nhận bồi thường; các trường hợp còn lại đang tiếp tục đề nghị được đối thoại để làm rõ những vấn đề liên quan.

Bí thư Huyện ủy Hoàng Anh Cương cho rằng, thành công bước đầu trong giải phóng mặt bằng một số công trình trọng điểm của Na Hang là kết quả của cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là yếu tố căn cốt để giải quyết nhiều phần việc tồn tại một thời gian dài đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân.

Không chỉ ở Na Hang, Hàm Yên, “đặt hàng”, giao việc cho người đứng đầu để giải quyết những phần việc khó đang được Thường trực Tỉnh ủy triển khai tại nhiều địa phương, sở, ngành. Mỗi việc phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt để tổ chức thực hiện, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/thuc-hien-dat-hang-giao-viec-cho-nguoi-dung-dau-giai-quyet-viec-kho-o-co-so-128767.html