Thực hiện di chúc của Bác Hồ trong cuộc sống hôm nay

Đã 55 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Trước lúc ra đi, Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng với tư tưởng, tình cảm của một lãnh tụ, một danh nhân văn hóa thế giới. Trong đó, Bác nhắn nhủ, căn dặn Đảng ta với một tầm nhìn sâu sắc thể hiện nhãn quan chính trị của một vị lãnh tụ vĩ đại.

1.Trong Di chúc, khi nói về Đảng, Bác khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và nhấn mạnh mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Người nhấn mạnh yêu cầu: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Bác nhắc nhở: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Trước đó, trong nhiều bài viết Bác đã nhắc nhở cán bộ đảng viên phải là công bộc của dân, suy rộng ra người cán bộ, đảng viên là người đầy tớ làm việc công cho nhân dân.

Trong Di chúc, Bác nhắc nhở: "Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Cùng với việc công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lễ tang của Người, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đọc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Nổi bật ở điếu văn là 5 lời thề mà Đảng và nhân dân ta đã thề.

Lời thề thứ nhất: "Giương cao mãi mãi ngọn cờ dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người".

Lời thề thứ 2: "Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào".

Lời thề thứ 3: "Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi".

Lời thề thứ 4: "Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa... thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

Lời thề thứ 5: "Suốt đời học tập, đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể dân tộc ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng".

55 năm qua, thực hiện Di chúc Bác Hồ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện lời hứa trước anh linh Bác khi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa xuân năm 1975.

Từ năm 1986, đất nước sang trang sử mới, khi vận dụng thành công con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp thu tinh hoa của nhân loại; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; nghĩa là phát huy hết sức mạnh toàn dân trong xây dựng đất nước, cởi trói sức lao động, tính sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo động lực phát triển kinh tế nhưng vẫn chú trọng an sinh xã hội; với tinh thần xóa đói giảm nghèo, không để ai tụt lại phía sau. Thành công bước đầu có tính đột phá với những chính sách phát triển đất nước hợp lòng dân, đã đưa nước ta từ một nước nghèo, công nghiệp còn lạc hậu thành nước có thu nhập trung bình, có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới...

Chúng ta giữ vững độc lập chủ quyền đường lối ngoại giao mang đặc điểm Việt Nam: mềm dẻo, linh hoạt "Dĩ bất biến ứng vạn biến" có quan hệ đối ngoại hòa bình, bình đẳng góp phần xứng đáng vào việc giữ gìn nền hòa bình trên thế giới; có quan hệ ngoại giao với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; các nước lớn trên thế giới đều có quan hệ ngoại giao mang tính chiến lược toàn diện với nước ta.

Song song với việc phát triển kinh tế, Đảng đã có những chính sách để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", có ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ phát triển văn hóa của mỗi tộc người và cả quốc gia. Vì vậy, ngày 24/11/2021, đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Những năm gần đây chúng ta đã có chiến lược để phát triển văn hóa với tinh thần xây dựng nền công nghiệp văn hóa. Nhiều khách du lịch quốc tế đã cảm nhận được bản sắc văn hóa Việt Nam nên số khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam ngày càng tăng; năm 2024 dự kiến sẽ vượt kế hoạch về tăng trưởng du lịch, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam sẽ xấp xỉ 20 triệu người.

2.Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta tự hào về những gì Đảng ta và nhân dân ta đã làm được, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng, bên cạnh những cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nguyên nhân gốc rễ là họ không chú ý giữ gìn, đã đánh mất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là việc cụ thể hóa trong việc thực hiện Di chúc của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc học và làm theo Bác là việc thường xuyên, hằng ngày.

Nhìn lại thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả bước đầu như kỷ luật 2.700 tổ chức Đảng, kỷ luật 7.390 đảng viên, trong đó có 170 cán bộ cấp cao (riêng từ Đại hội Đảng XIII đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ cấp Trung ương quản lý, 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng).

Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị hiện là phương hướng nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc thực hiện Di chúc Bác Hồ. Mới đây nhất, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW "về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Trong đó, giá trị cốt lõi xuất phát từ kết quả vận dụng những giá trị bền vững, đi trước thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới. Đó là chuẩn mực tôn trọng nhân dân được cụ thể hóa thành khoản 2 Điều 1 và điểm đáng chú ý chính là: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh".

Các nội dung của Quy định số 144 không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên "tự soi", "tự sửa" mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng. Trong đó, có những nội dung mới, chứa đựng những thông điệp cốt lõi nhất, thể hiện tại Điều 2 về các phẩm chất "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập" và khoản 5 Điều 3: "Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín". Các quy định này đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn làm rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi. Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, truyền tải những thông điệp quan trọng đến các đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.

Quy định số 144 được ban hành khẳng định sự quyết tâm của Đảng trong củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên", có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; là tiêu chí để lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự trường tồn và phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trần Bá Giao

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thuc-hien-di-chuc-cua-bac-ho-trong-cuoc-song-hom-nay-i741598/