Thực hiện đồng bộ các giải pháp cai nghiện ma túy
Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh có xu hướng trở thành một trong những địa bàn buôn bán, trung chuyển ma túy lớn. Ðây cũng là địa phương có tỷ lệ người nghiện ma túy lớn nhất trong cả nước. Thực trạng này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý cai nghiện trên địa bàn.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, song tình hình các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động trung chuyển ma túy và tiền chất qua địa bàn thành phố với quy mô ngày càng lớn và thành phần đối tượng đa dạng hơn. Ðối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Nhiều hệ lụy tiêu cực gây ra cho xã hội từ ma túy xuất hiện ngày càng nhiều khiến không ít người dân thành phố lo lắng, bất an, nhất là giới trẻ.
TP Hồ Chí Minh có dân số đông nhất nước, lại là địa bàn trọng điểm phức tạp về nạn buôn bán, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Ðiều này cũng một phần lý giải vì sao TP Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ người nghiện lớn nhất nước.
Những năm qua, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện dù được thành phố đầu tư, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ người nghiện, người tái nghiện vẫn ở mức cao. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn hơn 24 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, số người nghiện "tự do" chưa được quản lý còn lớn gấp nhiều lần con số này. Trong khi đó, công tác cai nghiện vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được khắc phục.
Hiện, số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, nhưng để có cơ sở quản lý được thì không dễ. Với những đối tượng này, khi đến "cữ" thường có những biểu hiện như mơ màng, ngáp ngủ, mệt mỏi,… rất giống với các biểu hiện bình thường khác của cơ thể con người cho nên người thân, người ngoài khó phát hiện. Sau một thời gian sử dụng ma túy tổng hợp, não bộ bị tổn thương nặng sẽ dẫn đến những biểu hiện tâm thần, ảo thính, ảo thị, ảo giác,… Tuy vậy, ngay cả khi phát hiện người nghiện ma túy tổng hợp, việc xử lý theo quy định của pháp luật hiện cũng vướng. Bởi, để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy thì phải xác định tình trạng nghiện của người nghiện. Ðể xác định tình trạng này, các cơ quan chức năng phải giữ đối tượng trong thời gian hai đến ba ngày trong tình trạng cách ly. Trong khi đó, quy định về tạm giữ hành chính chỉ được phép tối đa không quá 12 giờ. Ngoài ra, các loại ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng nhưng việc cập nhật để quản lý các chất cấm, chất kích thích chưa được các cơ quan chức năng thực hiện kịp thời dẫn đến tình trạng "bỏ lọt" các đối tượng nghiện.
TP Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng các hình thức cai nghiện: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tập trung. Trong đó, theo định hướng, thành phố sẽ hướng đến việc giảm dần tỷ lệ cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, tỷ lệ cai nghiện thành công của người cai nghiện tại gia đình rất hạn chế, nếu không muốn nói là không khả thi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là phương pháp điều trị nghiện thay thế bằng methadone đang dần giảm hiệu quả đối với các đối tượng sử dụng ma túy "đá". Mặt khác, theo thống kê của ngành chức năng, với khoảng 2/3 số người nghiện tại TP Hồ Chí Minh hiện nay đều là các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, không có gia đình tại TP Hồ Chí Minh thì giải pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình vẫn là một bài toán nan giải...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, để công tác cai nghiện ma túy có hiệu quả đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, thì tiếp tục đưa vào cơ sở xã hội để tòa án xem xét, quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Ðối với các đối tượng đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi cần được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ sau khi áp dụng các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng không thành công.
Ðối với người có nơi cư trú ổn định, thì giáo dục tại phường, xã, thị trấn; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Công tác này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của gia đình, các ban, ngành, đoàn thể, các tình nguyện viên. Khi việc cai nghiện tại cộng đồng không thành công thì thực hiện các quy trình để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cần có biện pháp xử lý mạnh, đủ sức răn đe đối với các đối tượng đã cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện, nhất là các đối tượng nghiện ma túy đá. Ðây là các đối tượng sau khi sử dụng ma túy rất dễ gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội như nhiều trường hợp đau lòng đã từng xảy ra trước đây.
Ðồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng khác để góp phần tuyên truyền, cung cấp cho các tầng lớp nhân dân thông tin về tác hại của ma túy để có đủ kiến thức, giải pháp phòng tránh. Thành đoàn, Sở Giáo dục và Ðào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội cần có những giải pháp đặc thù của đơn vị mình tuyên truyền đến các bạn thanh niên, đoàn viên về tác hại của ma túy. Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường hơn nữa việc xử lý, trấn áp, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh, tụ điểm vui chơi, giải trí nhằm ngăn chặn, phòng ngừa một bộ phận người trẻ tiếp xúc với ma túy và các chất kích thích.