Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự

Sáng 26.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày cho biết, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tập trung cao độ; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản được hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt và vượt; lực lượng Công an và các lực lượng chức năng đã vượt khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, biện pháp điều tra, khám phá các vụ án. Tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm nhưng còn một số vi phạm phải xử lý hình sự. Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương...

 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025. Đó là, chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa...

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung nhận diện và chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế tội phạm bền vững, phấn đấu theo chỉ tiêu đã đề ra; tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự…

Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố

Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày cho biết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2024 với 2 nhiệm vụ đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Báo cáo công tác năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Báo cáo công tác năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%). Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố…

Tuy nhiên, còn có chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội, như: tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ…

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm điều kiện, cơ chế cho ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội quan tâm đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị có chủ trương luân chuyển, biệt phái, đào tạo cán bộ cấp Chiến lược cho ngành kiểm sát nhân dân và chỉ đạo việc thực hiện cơ cấu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tham gia cấp ủy địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao…

Vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh với tính chất ngày càng phức tạp

Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024 do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày nêu rõ, ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án nhân dân; trong đó đã yêu cầu các Tòa án tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Vì vây, chất lượng, hiệu quả công tác cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu công tác trong Nghị quyết của Quốc hội và của Tòa án nhân dân tối cao đề ra.

Cụ thể, Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, đã giải quyết được 585.932 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra…

 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, hoạt động của các Tòa án còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (là 1,5%). Số lượng các loại vụ việc, vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh, trung bình 10%/năm với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp…

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngành Tòa án xác định sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc theo quy định; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội…

Tính đến 30.9.2024, còn 206.090 người có án phạt tù

Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày cho biết, về kết quả thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc; đã thi hành xong 621.568 việc (tăng 45.901 việc so với năm 2023), đạt tỉ lệ 83,86%. Tổng số tiền phải thi hành là trên 500 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong trên 117 nghìn tỷ đồng, đạt tỉ lệ 51,46%.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Về kết quả thi hành án hành chính, các cơ hành chính nhà nước đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng 314 so với năm 2023). Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án, quyết định, trong đó, ban hành 1.361 văn bản tự nguyện thi hành án; làm việc với người phải thi hành án trong 1.305 bản án; đăng tải công khai 657 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án…

Về hoạt động Thừa phát lại, toàn quốc hiện có 207 Văn phòng Thừa phát lại (tăng 13 Văn phòng so với năm 2023). Các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 747.909 văn bản, lập 113.940 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 4 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 1 vụ việc.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về công tác thi hành án phạt tù, tính đến ngày 30.9.2024, còn 206.090 người có án phạt tù. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tiếp nhận, phân loại và quản lý đối với 88.680 phạm nhân đến chấp hành án; đã khám, cấp phát thuốc cho trên 5 triệu lượt phạm nhân; đã tổ chức 6.289 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ, văn hóa xóa mù chữ, giáo dục công dân, dạy nghề cho phạm nhân…

Với những khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Thừa phát lại sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực này. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra nội bộ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi có vi phạm xảy ra. Thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Công tác xét xử các vụ án hình sự vẫn còn một số hạn chế

Thẩm tra các báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng internet tăng 105,22%. Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong Nhân dân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả, tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý.

Về Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nêu rõ, Viện kiểm sát đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của Cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, tỷ lệ giải quyết đơn đạt cao. Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: chất lượng trả lời đơn đáp ứng yêu cầu, không có đơn để quá hạn luật định. Công tác kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực; kiểm sát đơn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm túc.

Về Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2024, mặc dù số lượng các vụ án đã thụ lý tiếp tục tăng, song các Tòa án đã giải quyết đạt 98,18%, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Hình phạt mà các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% theo yêu cầu của Quốc hội.

Tuy nhiên, công tác xét xử các vụ án hình sự vẫn còn một số hạn chế, như: một số trường hợp định tội danh chưa đúng, áp dụng hình phạt chưa đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Các vụ, việc dân sự được các Tòa án thụ lý tăng; tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,51%, vượt 9,51% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Các Tòa án đã tổ chức phiên tòa trực tuyến 20.302 vụ việc. Tuy nhiên, qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, nhiều Tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.

Về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, năm 2024, số lượng người chấp hành án phạt tù tăng mạnh so với năm 2023. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ về quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Việc tổ chức thi hành án phạt trục xuất đúng trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm an ninh, an toàn. Nhưng vẫn còn có trường hợp quyết định thi hành án, quyết định hoãn chấp hành án có vi phạm; công tác quản lý giam giữ phạm nhân còn có mặt sơ hở; còn tình trạng lập, cập nhật, quản lý hồ sơ thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa đầy đủ...

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp trong công tác thi hành án dân sự năm 2024. Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt cao hơn so với năm 2023 cả về tiền và việc. Song, vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án không chính xác, phải thu hồi, hủy bỏ và chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương. Kết quả đã thi hành xong tăng 314 bản án, quyết định so với năm 2023. Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm; số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng.

Về hoạt động Thừa phát lại, năm 2024, cả nước có 207 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 422 Thừa phát lại đang hành nghề; tổng doanh thu đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với 2023. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hỗ trợ cho công tác thi hành án dân sự.

Trên cơ sở thẩm tra, đánh giá các báo cáo, Ủy ban Tư pháp có 2 kiến nghị chung đối với Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các kiến nghị cụ thể đối với từng cơ quan (3 kiến nghị đối với Chính phủ; 2 kiến nghị đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; 3 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân tối cao).

Trung Thành - Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-nang-cao-chat-luong-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-ve-an-ninh-trat-tu-post397468.html