Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân
Chiều 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 'Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân'. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc chủ trì và điều hành Hội nghị.
Báo cáo tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Việc ban hành và thực hiện Đề án 977 là một giải pháp thiết thực thúc đẩy các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Mặt trận thực hiện tốt việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án 977 nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp; từng bước thực hiện xã hội “thượng tôn pháp luật”, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Qua 2 năm thực hiện Đề án, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã đạt được kết quả nhất định.Hàng năm Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Đề án. Qua theo dõi, một số bộ, ngành ở trung ương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án hoặc văn bản triển khai Đề án. Ở địa phương, sau khi Đề án được ban hành, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch của UBND cấp tỉnh về việc thực hiện Đề án 977 giai đoạn năm 2023 - 2030. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo bà Ngô Quỳnh Hoa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 977 là tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ công tác. Do đó, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng đã được với trên 30.000 báo cáo viên pháp luật trên toàn quốc và gần 158.000 tuyên truyền viên pháp luật.
Để triển khai việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các cấp các ngành đã thực hiện kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng. Tính đến ngày 31/10/2024, 59/63 Trung tâm TGPL đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ TAND, trong đó có 2.550 vụ việc TGPL.
Bên cạnh đó, Đề án còn xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã có tới 170 luật sư tham gia tiếp công dân ở trụ sở tiếp công dân trung ương với 60 lượt tư vấn. Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện 65 tư vấn pháp luật cho người nghèo và chính sách xã hội…
Cùng với công tác PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, việc thực hiện Đề án 977 trong 2 năm qua đã mang lại kết quả bước đầu, nâng cao được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của người dân; nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân đã có những chuyển biến tích cực: người dân đã biết chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình cũng như quyền, lợi ích của người khác trong xã hội, dần hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tại Hội nghị, một số đại biểu biết đã chia sẻ thêm một số giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân. Trong đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương; tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại như nhóm Zalo hay các ứng dụng khác để giúp người dân dễ dàng tiếp cận pháp luật mọi lúc, mọi nơi; lan tỏa tinh thần “thượng tôn hiến pháp, pháp luật”; tạo ra những sản phẩm dễ hiểu, dễ tiếp cận với người dân; huy động thêm đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý đồng hành, tham gia cùng các cơ quan, ban ngành, sở, địa phương trong việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân…
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã đạt được. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai Đề án 977 một cách bài bản, chủ động với các chính sách, giải pháp phù hợp, phát huy vai trò của các tổ chức nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và từng địa phương nghiên cứu giải pháp tổng thể, huy động sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị nói chung và nâng cao trách nhiệm của địa phương nói riêng, trong đó lưu ý bám sát 5 nhóm nhiệm vụ và 24 hoạt động của Đề án 977.
Trước yêu cầu đổi mới tư duy phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, chính quyền các cấp, nòng cốt là ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, phải tạo dựng các điều kiện cần thiết về mặt thông tin pháp lý, PBGDPL để người dân chủ động tiếp cận và nâng cao nhận thức về pháp luật; từ đó chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; để thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 977, đáp ứng đúng yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Thứ trưởng cũng mong muốn UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án 977; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình hay, cách làm sáng tạo để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân./.