Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025
Với các mục tiêu phát triển nhà ở phù hợp với nguồn lực nhà nước và xã hội, là cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, học sinh, sinh viên, người nghèo, người có công trên địa bàn tỉnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Kế hoạch số 2846/KH-UBND phát triển nhà ở năm 2021 và giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh vừa ban hành ngày 30-11-2020. Với các mục tiêu phát triển nhà ở phù hợp với nguồn lực nhà nước và xã hội, là cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, học sinh, sinh viên, người nghèo, người có công trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhà ở, nhà ở xã hội của tỉnh và đặc điểm tình hình của từng địa bàn dân cư, khu công nghiệp.
Theo Kế hoạch số 2846/KH-UBND, trong năm 2021 tỉnh phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,4m2/người (khu vực đô thị đạt 30,8m2/người; khu vực nông thôn đạt 25,4m2/người); diện tích nhà ở tối thiểu toàn tỉnh đạt 8 m2/người. Như vậy, với mục tiêu đặt ra như trên, tổng diện tích sàn tăng thêm năm 2021 là gần 1,487 triệu m2 gồm 51.069m2 sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng tại các dự án đang thực hiện và 1.435.930m2 sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng trên đất hiện hữu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 28,8 m2/người. Trong đó khu vực đô thị đạt 35m2/người; khu vực nông thôn đạt 27,3m2/người; diện tích nhà ở tối thiểu 10m2/người. Để thực hiện được mục tiêu đó, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 tăng thêm khoảng 9.199.660m2 sàn; trung bình mỗi năm phát triển thêm khoảng 1.533.277m2 sàn. Trong đó nhà ở thương mại là 123.402m2 sàn (chiếm tỷ lệ 1,34%); nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là 124.658m2 sàn (chiếm tỷ lệ 1,36%; nhà ở riêng lẻ người dân tự xây là 8.951.600m2 sàn (chiếm tỷ lệ 97,3%). Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành khoảng 123.402m2 sàn nhà ở thương mại gồm khoảng 33.402m2 sàn của các dự án nhà ở thương mại đang xây dựng và 90 nghìn m2 sàn đầu tư xây dựng mới. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án để hoàn thành khoảng 124.658m2 sàn nhà ở xã hội. Khu vực nhà ở dân tự xây có khoảng 8.951.600m2 sàn trong các dự án khu đô thị, khu dân cư đang thực hiện các khu dân cư hiện hữu.
Nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2020-2025 khoảng 62.078 tỷ đồng gồm 830 tỷ đồng phát triển nhà ở thương mại; 1.021 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội và 60.226 tỷ đồng phát triển nhà ở riêng lẻ của người dân. Nguồn vốn dự kiến để thực hiện kế hoạch từ: nguồn phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng...; nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng từ nguồn vốn của các hộ gia đình. Vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn của doanh nghiệp; vốn vay các tổ chức tín dụng ưu đãi; vay Ngân hàng Chính sách xã hội; ngân sách thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 10ha tại các đô thị loại 3 trở lên và quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên nhưng không quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; nguồn hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật (nếu có)... Diện tích đất ở tăng thêm để xây dựng nhà ở giai đoạn 2020-2025 khoảng 772,8ha gồm: 742,18ha đất phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị; 15,63ha đất phát triển nhà ở xã hội và 14,99ha đất phát triển tái định cư.
Để phấn đấu thực hiện và hoàn thành được các mục tiêu kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp gồm: hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; giải pháp về đất ở; nguồn vốn; kiến trúc, quy hoạch; hỗ trợ nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; phát triển thị trường nhà ở và quản lý sử dụng nhà ở; giải pháp về công nghệ. Theo đó, ở nhóm giải pháp về nguồn đất phát triển nhà ở, UBND tỉnh chủ trương dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Xác định rõ vị trí và ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do tỉnh đang quản lý để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Rà soát, bố trí quỹ đất 20% diện tích đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội tại khu vực đô thị của tỉnh; trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, thực hiện thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất. Trong quá trình thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải báo cáo cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phương án giải quyết nhà ở cho người lao động. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố Nam Định triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp vượt thẩm quyền; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo định kỳ vào giữa quý IV hàng năm. Đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và phát triển nhà của tỉnh và các huyện, thành phố nhằm đảm bảo điều kiện và năng lực thực hiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tiếp nhận các thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản do các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp để tích hợp, cập nhật bổ sung các thông tin vào cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch hàng năm việc hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhà ở của các đối tượng cán bộ công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp, sinh viên, học sinh; xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu UBND các huyện, thành phố Nam Định và chủ đầu tư báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất các dự án nằm trong danh mục dự kiến hoàn thiện và các dự án đã được quyết định đầu tư. Hướng dẫn triển khai các quy định về phát triển và quản lý nhà ở; các chính sách hỗ trợ nhà ở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà. Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị./.
Bài và ảnh: Thành Trung