Thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới

Tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Du lịch tỉnh cùng các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong tình hình mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Du lịch tỉnh cùng các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong tình hình mới.

Rước trong hội chùa Lương Hải Hậu. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Theo số liệu tổng hợp của Sở VH, TT và DL, năm 2021, lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch tại tỉnh sụt giảm. Tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt 471 nghìn lượt người, bằng 33% so với năm 2020; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 154 tỷ đồng, bằng 37,1% so với năm 2020. Ngay khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, để khắc phục khó khăn, từng bước phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới, ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và của ngành về xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ 44 người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để họ khắc phục khó khăn, bám trụ với nghề. Sở VH, TT và DL chỉ đạo Phòng VH-TT các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Ban Quản lý các khu du lịch Thịnh Long, Quất Lâm về việc tổ chức đón khách du lịch biển; thông báo chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, năm 2021, ngành Du lịch tỉnh đã tham gia Gian hàng xúc tiến du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các hoạt động giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của Nam Định, giới thiệu “Chiếu chèo Nam” tới bạn bè trong nước, quốc tế; biên soạn, hoàn thiện nội dung ấn phẩm “Cẩm nang Văn hóa - Du lịch Nam Định”; phối hợp với kênh Truyền hình Nhân Dân xây dựng chuyên mục điểm đến hấp dẫn, giới thiệu các địa chỉ điểm nhấn du lịch của tỉnh như Bảo tàng Đồng Quê, Cầu Ngói - Chùa Lương và các món ăn đặc trưng của Nam Định phát sóng trên truyền hình.

Một trong những giải pháp quan trọng mang tính chiến lược để phát triển du lịch là đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch du lịch, thu hút đầu tư phát triển các dự án trong lĩnh vực du lịch. Sở VH, TT và DL đã xây dựng và đề xuất nội dung Dự thảo Chương trình hành động thực hiện “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”; phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng báo cáo tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Nam Định; tham mưu cho tỉnh lập Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy, những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Du lịch của Trung ương và các nguồn vốn khác của địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu du lịch của tỉnh như: Khu du lịch biển Thịnh Long, Vườn quốc gia Xuân Thủy... Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch, nhất là việc nâng cấp giao thông giúp du khách tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn; qua đó kích thích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tích cực đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm phương tiện vận chuyển phục vụ khách du lịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động du lịch “đóng băng” dẫn đến nhiều hướng dẫn viên, cộng tác viên du lịch của tỉnh không có việc làm phải chuyển hướng sang lĩnh vực khác. Sở VH, TT và DL đã báo cáo Bộ VH, TT và DL tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch và nguồn nhân lực du lịch tại địa phương để có giải pháp hỗ trợ, đồng thời chú trọng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các khu du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, bồi dưỡng kiến thức để tham gia hoạt động du lịch, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm đang có xu thế phát triển.

Để từng bước phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới, thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, động viên các doanh nghiệp chỉnh trang nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng các điểm du lịch làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh như: chạm khắc gỗ, đúc đồng, sơn mài (Ý Yên), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), ươm tơ, dệt vải (Trực Ninh), múa rối nước xã Hồng Quang (Nam Trực), làm muối ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng), kết hợp giữa việc tham quan trải nghiệm và mua sắm tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tạo ra sản phẩm dùng làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong phát triển du lịch; đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc như: hát chèo, hát văn, ca trù, múa rối nước... phục vụ ở các khu, điểm du lịch với các hình thức phù hợp. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư về vốn, đất đai... để phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch. Chú trọng điều chỉnh, xây dựng sản phẩm du lịch tuân thủ yếu tố an toàn, ưu tiên sản phẩm có thể điều chỉnh linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ. Tăng cường liên kết để tạo ra sản phẩm hấp dẫn hướng đến yếu tố bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực du lịch nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong xúc tiến, quảng bá du lịch; thúc đẩy liên kết du lịch vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương nhằm phát triển sản phẩm mới, có sức cạnh tranh, hấp dẫn du khách./.

Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202207/nhan-ngay-truyen-thong-nganh-du-lich-viet-nam-9-7-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-phuc-hoi-phat-trien-du-lich-trong-tinh-hinh-moi-2551783/