Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung ứng phó với hoàn lưu bão số 4
Trước dự báo Hà Tĩnh sẽ xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4, sáng nay (27/9), các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương và chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.
Sáng nay (27/9), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lũ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên.
Qua kiểm tra thực tế tại các công trình, dự án và nghe báo cáo công tác ứng phó với bão số 4 của các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, kế hoạch ứng phó, phương án phòng, chống bão số 4 của TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà thầu cần rà soát lại các công trình nhà cửa, tàu thuyền để chủ động chằng chéo; cần bố trí lực lượng để hỗ trợ người dân di chuyển khỏi các vị trí xung yếu, ngập lụt khi cần thiết.
Phân công các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo các ban, ngành xuống tận thôn, xóm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp Nhân dân triển khai các phương án ứng phó với bão. Đồng thời, các địa phương, lực lượng chức năng không cho tàu thuyền ra khơi khi bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Chủ tịch UBND tỉnh; chủ động bám sát phương án phòng, chống thiên tai đã được ban hành và phê duyệt.
Các địa phương chủ động triển khai thực hiện phương án “4 tại chỗ”, không chủ quan lơ là, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống đột xuất, bất ngờ, đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Đối với các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn, bên cạnh đảm bảo tiến độ thi công cần chủ động phương án bảo vệ công trình, đảm bảo an toàn về người và tài sản, trường hợp phát sinh tình huống phải kịp thời báo cáo Ban chỉ huy để có phương án xử lý.
Đối với các hồ, đập trên địa bàn, các địa phương phối hợp với đơn vị quản lý thường xuyên, liên tục thông tin quy trình vận hành xả lũ đến tận người dân để có phương án xử lý kịp thời.
Sáng 27/9, trước dự báo cơn bão Noru (bão số 4) có thể gây ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đi kiểm tra một số công trình và tình hình phòng chống mưa bão tại huyện Đức Thọ. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đoàn đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ tả sông La, đoạn qua xã Trường Sơn. Đoạn tuyến kè này có chiều dài 1.800m, điểm đầu cách cầu Linh Cảm 21,1 km về phía thượng lưu, điểm cuối nối với tuyến kè đã thi công giai đoạn trước đó tại trạm bơm xã Tường Sơn.
Hiện, các đơn vị cơ bản đã thi công xong phần chân kè, thân kè và đang hoàn thiện phần mặt đường bê tông trên kè. Nếu lũ lụt xẩy ra thì cơ bản kè không bị ảnh hưởng về phần kết cấu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ, thi công công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thiết kế.
Trước mắt, cần theo dõi nắm chắc tình hình mưa lũ sau hoàn lưu bão số 4 để chủ động mọi phương án phòng chống lũ, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với công tác ứng phó với bão số 4, đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã cơ bản hoàn thành các phương án; chỉ đạo các địa phương chủ động nhân lực, vật lực tại chỗ nhằm ứng cứu kịp thời các tình huống xảy ra. Đặc biệt, ở những xã ngoài đê, xã thường xuyên bị ngập lụt; các điểm gần núi, gần sông dễ xảy ra sạt lở đất, các địa phương thường xuyên theo dõi, tuyên truyền đến người dân chủ động kê gác đồ đạc, di chuyển gia súc, gia cầm và chủ động sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Theo kịch bản ứng phó với bão số 4, 15 hộ ở thôn Vĩnh Yên (xã Đức Lạng) và 7 hộ ở dưới rú Dầu (xã Hòa Lạc) đã sẵn sàng phương án di dời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị UBND huyện Đức Thọ tập trung tuyên truyền đến tận người dân về tình hình mưa lũ, nhất là những dự báo về hoàn lưu của bão số 4. Mặc dù bão có thể không trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây ra mưa to đến rất to, khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Do đó, người dân không được chủ quan, lơ là, nhất là đối với những xã ngoài đê có khả năng ngập úng sâu. Người dân cần kê gác đồ đạc lên cao, đảm bảo phương án “4 tại chỗ”. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, theo dõi sát tình hình mưa lũ để có phương án chủ động đối phó.
Đoàn công tác do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân làm trưởng đoàn đã đi kiểm công tác PCBL tại huyện Hương Sơn và Hương Khê. Cùng đi có đại diện các sở, ngành.
Tại huyện Hương Sơn, đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thực tế hồ Khe Dẻ (xã Kim Hoa), đường giao thông vào thôn Vũng Tròn (xã Sơn Kim 1), quốc lộ 8A (đoạn đang thi công qua xã Sơn Kim 1), khu vực cầu Khe Lành ở thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2).
Đây đều là những công trình trọng điểm, những vùng dễ bị ngập úng, chia cắt, có nguy cơ mất an toàn cao nên công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão đã được các địa phương, phòng, ngành, các đơn vị thi công, người dân... chuẩn bị khá chu đáo.
Các hạng mục đang thi công tại hồ Khe Dẻ đang tạm dừng, mực nước trong hồ được theo dõi thường xuyên để điều tiết kịp thời khi có mưa lớn. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã huy động máy móc, nhân lực, tập kết đất đá, sẵn sàng đào đắp, gia cố khi có nguy cơ vỡ đập.
Các phương án ứng cứu những con đường độc đạo, cầu cống vào thôn Vũng Tròn (Sơn Kim 1), thôn Làng Chè (Sơn Kim 2) cũng đã được xây dựng cụ thể gắn với việc nhắc nhở, động viên hàng trăm hộ dân trong vùng nguy hiểm chủ động di dời đến nơi kiên cố, đi lại an toàn và sẵn sàng lương thực, thực phẩm khi bị chia cắt.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đi thị sát thực tế ở huyện Hương Khê, gồm: khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá tại xóm 3, xã Gia Phố và các vùng có nguy cơ bị sạt lở ven bờ sông Ngàn Sâu (đoạn qua xã Hương Xuân, xã Hà Linh). Tại nhều vị trí, tình trạng đồi núi và bờ sông sạt lở nghiêm trọng, rất nguy hiểm khi có mưa lũ lớn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng ở huyện Hương Khê đã tập trung vận động, nhắc nhở người dân di dời ra khỏi các vị trí sạt lở lớn; cắm biển cảnh báo và triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn gắn với phòng chống lũ lụt hiệu quả.
Thay mặt đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân đánh giá cao công tác chuẩn bị, tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai của các địa phương, đơn vị. Đây được xem là vấn đề cốt lõi để giảm nhẹ hậu quả khi có mưa lũ lớn xẩy ra.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân đề nghị các địa phương, lực lượng, chủ đầu tư, doanh nghiệp... ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Tất cả phải sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, hư hại công trình... trong đợt mưa bão sắp tới.