Thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Song song việc bám sát các chỉ tiêu, lộ trình cụ thể về phát triển đối tượng tham gia, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.

Đó là khẳng định được đưa ra tại kỳ họp quý II.2023 của Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH.

Bám sát các chỉ tiêu, lộ trình cụ thể

Về việc chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản ngân hàng cá nhân ATM, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường thông tin, hiện nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ này ở khu vực đô thị đạt trên 60%, nhưng chỉ tiêu chung toàn quốc mới đạt khoảng 40%, vì vậy, dư địa thực hiện mục tiêu này còn lớn. Do đó, cần phấn đấu mỗi năm tăng thêm 10% để đạt 90% vào năm 2030. Tuy nhiên, việc chi trả các chế độ cho đối tượng trước năm 1995 và các tỉnh miền núi với hạ tầng công nghệ thông tin còn thấp sẽ gặp một số khó khăn, cần phải nghiên cứu để có giải pháp, lộ trình phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Hồ Đức Phớc chủ trì và điều hành cuộc họp (Nguồn: BH)

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Hồ Đức Phớc chủ trì và điều hành cuộc họp (Nguồn: BH)

Với việc BHXH Việt Nam xin chuyển đổi đầu tư một số tiền từ trái phiếu ngân hàng sang đầu tư trái phiếu Chính phủ, HĐQL yêu cầu BHXH Việt Nam cần tiếp tục báo cáo, phân tích rõ tính hiệu quả giữa 2 hình thức này để từ đó xin ý kiến biểu quyết của Thành viên HĐQL.

Về phát triển người tham gia BHXH, theo Nghị quyết số 28 của Trung ương, đến năm 2025, phải phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 55% số người lao động sau khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các trợ cấp BHXH; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng về BHXH đạt 85%.

Theo đó, HĐQL yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát và bám sát các chỉ tiêu, có kế hoạch, có lộ trình triển khai để đạt được các chỉ tiêu trên. Về phương án chuẩn bị cho gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn từ quỹ BHTN, BHXH Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng triển khai khi cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Bảo đảm nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQL BHXH Hồ Đức Phớc yêu cầu, thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao và kế hoạch của HĐQL đã ban hành.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đầu tư quỹ, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu ngành BHXH Việt Nam gắn với chia sẻ, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư theo nguyên tắc “sống, sạch, đủ, chính xác”.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các giải pháp vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, theo chỉ đạo của Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2025 tăng 10% người sử dụng và đạt mục tiêu 90% chi trả chế độ an sinh qua thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2030. Tiếp tục đóng góp ý kiến về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt quan tâm, đào sâu nghiên cứu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để góp ý trong sửa Luật BHXH, BHYT.

Về dự toán ngân sách và quyết toán, BHXH Việt Nam cần thực hiện công khai, bảo đảm sự minh bạch; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên về HĐQL để các thành viên theo dõi, nắm bắt.

Hải Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thuc-hien-dong-bo-giai-phap-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-i335237/