Thực hiện đồng bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại dịch vụ
Ngày 14/7, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022 của ngành Công thương. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Sáu tháng đầu năm, với sự vào cuộc kịp thời, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất, kinh doanh nên các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra, đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảm đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,74%). 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 2.700 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 371 tỉ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD.
Tại Phú Thọ, so với cùng kỳ, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 15,15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 20.725 tỉ đồng, tăng 12,7%; xuất khẩu ước đạt 6.043,6 triệu USD, tăng 86,3%; nhập khẩu ước đạt 5.740,9 triệu USD, tăng 79%.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, trong những tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ Công thương và các địa phương cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu; tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để tham mưu cho Bộ Công thương, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp điều tiết kịp thời. Các đơn vị thuộc Bộ Công thương phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng chiến lược, chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn 2021-2030; rà soát các nội dung phát triển công nghiệp và thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Trong sản xuất công nghiệp, các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... Trong hoạt động thương mại cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu trên môi trường số. Các đơn vị thuộc ngành Công thương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguyễn Huế