Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cho 'chặng nước rút'

Trước bối cảnh thiên tai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, trong những tháng còn lại của năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xuất cấp, hỗ trợ kịp thời cho người dân

Từ đầu năm đến nay đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), ngành DTNN đã vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực triển khai nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực.

Để chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, Tổng cục DTNN rất chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng giai đoạn. Hiện nay, tổng cục đã tổng hợp trình Bộ Tài chính kế hoạch dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm (2022 - 2024) của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; xây dựng kế hoạch DTQG năm 2020, kế hoạch tài chính NSNN 3 năm (2022 - 2024) của tổng cục; tham mưu, trình Bộ Tài chính phân bổ dự toán chi DTQG năm 2022 của các bộ, ngành...

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn thời gian vừa qua, ngành DTNN đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình khi tham mưu cho Chính phủ kịp thời xuất cấp vật tư, thiết bị, lương thực, hóa chất khử trùng, khử khuẩn,… để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ công tác an sinh xã hội.

Ngành Dự trữ Nhà nước tích cực tham gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với lương thực, xuất cấp 247.379 tấn gạo cho các địa phương, trị giá khoảng 2.840 tỷ đồng. Trong đó, xuất cấp hỗ trợ cho các địa phương trong nước là 230.379 tấn; hỗ trợ viện trợ cho Cuba là 17.000 tấn. Đến nay, các cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo hỗ trợ đã phối hợp với UBND các tỉnh để tổ chức triển khai xuất cấp theo đúng tiến độ tiếp nhận, phân bổ của các địa phương. Số gạo viện trợ cho Cuba dự kiến sẽ giao tại cảng Cuba theo đúng kế hoạch thống nhất với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam. Gạo DTQG xuất cấp hỗ trợ bảo đảm chất lượng, số lượng, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ quan hệ hợp tác quốc tế.

Đối với vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn, trị giá khoảng 142 tỷ đồng. Trong đó: xuất hỗ trợ dịch bệnh Covid-19, gồm: 410 bộ nhà bạt cứu sinh; 14 bộ máy phát điện cho UBND TP. Hồ Chí Minh; 100 bộ nhà bạt; 10 bộ máy phát điện loại 30 KVA cho Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) để trang cấp ngay cho các lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ; 100 bộ nhà bạt các loại và 8 bộ máy phát điện cho các tỉnh: Cần Thơ, Bình Phước, Sóc Trăng; 15 bộ nhà bạt các loại và 1 bộ máy phát điện loại 136-150KVA cho tỉnh Tây Ninh.

Xuất cho phòng chống thiên tai: 18 bộ máy phát điện loại 30KVA cho tỉnh Quảng Nam để khắc phục hậu quả mưa lũ trong năm 2021; 30 bộ xuồng cao tốc các loại, 1.461 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 175.699 chiếc phao cứu sinh các loại, 90 bộ máy bơm nước chữa cháy (đồng bộ thiết bị chữa cháy rừng), 25 bộ máy phát điện loại 30 KVA, 15 bộ thiết bị khoan cắt cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để trang cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đến hết ngày 15/10/2021, toàn bộ số lượng vật tư, thiết bị DTQG đã được các cục DTNN khu vực xuất cấp hỗ trợ theo đúng kế hoạch tiếp nhận của các địa phương; hàng DTQG xuất cấp bảo đảm đúng danh mục, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng.

Quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Có thể nói, những kết quả đạt được của ngành DTNN đã góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của ngành Tài chính nói riêng. Trong những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch Covid-19, thiên tai do sự biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp nên công tác của ngành DTNN còn rất nặng nề. Vì vậy, Tổng cục DTNN tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Cụ thể: tiếp tục tập trung đánh giá tình hình và dự báo, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng DTQG đủ mạnh và xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất cấp bách xảy ra; chủ động chuẩn bị các nguồn lực DTQG nhằm đảm bảo sẵn sàng xuất cấp kịp thời hàng DTQG cho các địa phương; hàng DTQG xuất cấp bảo đảm chất lượng, kịp thời, đúng đối tượng, đặc biệt trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện nay.

Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, định mức, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý chất lượng hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành DTQG; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hàng DTQG nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm khi mới bắt đầu phát sinh; thực hiện tốt công tác bảo quản hàng DTQG gắn với xây dựng vùng kho dự trữ an toàn xanh sạch đẹp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19 tại đơn vị.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện nội dung Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phê duyệt lập quy hoạch, đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong năm 2022 theo quy định. Đồng thời, Tổng cục đã trình Bộ Tài chính rà soát, đề xuất tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia; đôn đốc phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia làm cơ sở cho công tác quản lý chất lượng...

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-hien-dong-bo-nhieu-giai-phap-cho-chang-nuoc-rut-95136.html