Thực hiện ghi hình PET/CT với 2 loại thuốc phóng xạ mới

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy sản xuất thành công và đưa vào sử dụng hai loại thuốc phóng xạ mới.

Ngày 6-12, TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị đã ghi hình PET/CT với 2 loại thuốc phóng xạ mới, đó là Galium-68 PSMA (Ga-68 PSMA) trong ung thư tuyến tiền liệt và Galium-68 Dotatate (Ga-68 Dotatate) trong u thần kinh nội tiết giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

 Bác sĩ đang theo dõi kết quả chụp trên màn hình

Bác sĩ đang theo dõi kết quả chụp trên màn hình

Trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi cho người bệnh và đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận (năm 2020 với thuốc Ga-68 PSMA và năm 2016 với thuốc Ga-68 Dotatate).

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate; do đó, khi người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này thông thường phải đi ra nước ngoài. Trải qua thời gian dài tìm hiểu, trao đổi chuyên môn cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực để tập trung nghiên cứu, ngày 7-11-2023, Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam pha chế thành công, đưa 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate vào sử dụng.

“Việc pha chế thành công 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate đã đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước, giúp người bệnh có thể tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh”, TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh.

Sau gần một tháng áp dụng ghi hình PET/CT với Ga-68 PSMA cho 12 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và PET/CT với Ga-68 Dotatate cho 9 trường hợp u thần kinh nội tiết, kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

“Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghi hình PET/CT với thuốc F-18 FDG đánh giá chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư từ năm 2009. Tuy nhiên do tế bào ung thư tuyến tiền liệt và tế bào u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao”, TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh thông tin.

 Bác sĩ đang chuẩn bị chụp PET/CT cho bệnh nhân

Bác sĩ đang chuẩn bị chụp PET/CT cho bệnh nhân

TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh cho biết thêm, tế bào ung thư tuyến tiền liệt thường có biểu hiện kháng nguyên đặc hiệu trên màng tế bào PSMA (cao hơn 10-80 lần so với tế bào tuyến tiền liệt bình thường hoặc tăng sản lành tính) có đặc tính gắn kết tốt với thuốc Ga-68 PSMA và sẽ được phát hiện nhờ ghi hình PET/CT.

Còn đối với u thần kinh nội tiết thì tế bào u biểu hiện tăng thụ thể Somatostatin và việc ghi hình PET/CT với thuốc Ga-68 Dotatate gắn kết vào thụ thể này sẽ phát hiện rõ hơn những tổn thương nguyên phát và di căn, từ đó giúp bác sĩ lâm sàng có hướng chẩn đoán, phân chia giai đoạn, chọn lựa phương pháp điều trị và theo dõi kết quả điều trị.

Kỹ thuật PET/CT là một hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, đầy tiềm năng cho nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, thần kinh và tim mạch. Kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2009. Trung bình 1 ngày, Khoa Y học hạt nhân tiếp nhận chụp từ 12-15 ca PET/CT.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-hien-ghi-hinh-petct-voi-2-loai-thuoc-phong-xa-moi-post717113.html