Thực hiện ghi nhật ký khai thác truy xuất nguồn gốc hải sản còn nhiều khó khăn
Theo quy định hải sản của ngư dân khai thác phải trở về các cảng cá của tỉnh để làm thủ tục truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh vẫn chưa chủ động thực hiện khiến cho việc truy xuất nguồn gốc hải sản gặp nhiều khó khăn.
Vận chuyển hải sản sau khai thác tại Cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia).
Để truy xuất nguồn gốc hải sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trước khi tàu xuất bến, chủ tàu cá phải khai báo các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác hải sản, danh bạ thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng. Khi khai thác hải sản trên biển, chủ tàu phải ghi nhật ký khai thác hải sản về tọa độ vùng biển, sản lượng khai thác được. Khi cập cảng, chủ tàu cá phải báo cáo chi tiết với ngành chức năng về hoạt động khai thác hải sản, hành trình chuyến biển, tổng sản lượng khai thác, sản lượng từng loại sản phẩm. Đây là quy định bắt buộc, nếu ngư dân không ghi chép nhật ký khai thác thì văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá sẽ không xác nhận nguồn gốc hải sản. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định chỉ định Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn, cảng cá loại II), Cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia, cảng loại I), Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc, cảng loại II) đủ tiêu chuẩn thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác cho ngư dân.
Mặc dù đã được cán bộ văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) tuyên truyền bằng nhiều hình thức và tổ chức theo dõi các hoạt động ra, vào cảng cá của tàu thuyền 24/24 giờ nhưng nhiều chủ tàu thuyền vẫn giữ thói quen ra, vào tự do không khai báo thông tin về tàu, dữ liệu khai thác, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Huyện Hậu Lộc hiện có 773 tàu cá, trong khi đó số lượng tàu cá thường xuyên qua cảng để bốc dỡ hàng hóa cho mỗi chuyến ra khơi khoảng 210/773 tàu cá. Trong 6 tháng năm 2019, sản lượng hải sản thông qua cảng đạt 7.300 tấn. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm hải sản bốc dỡ qua cảng chủ yếu tiêu thụ nội địa, nên chưa có tổ chức, cá nhân nào xin xác nhận nguồn gốc hải sản qua cảng. Theo tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, được biết các chủ tàu phần lớn ra khơi và cập bến neo đậu tại bãi ngang các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc và Hải Lộc chứ không vào Cảng cá Hòa Lộc để khai báo xuất trình giấy tờ trước khi tham gia khai thác. Do cảng cá được xây dựng cách xa cửa biển 4 - 5km nên chỉ có gần 20% số phương tiện tàu thuyền của huyện Hậu Lộc cập cảng cá. Mặt khác, tại các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, nghề chế biến hải sản phát triển nên nguồn hải sản khai thác về từ các tàu thuyền được tiêu thụ nhanh hơn khi vào cảng cá. Tại Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) lâu nay đang trong tình trạng quá tải. Hàng năm, trung bình có 2.600 - 3.000 lượt tàu thuyền ra vào làm dịch vụ tại cảng, trong khi phần cầu cảng cũ không phát huy được tác dụng. Theo phản ánh của một số ngư dân, nhiều khi tàu thuyền khai thác về nhưng phải xếp hàng đợi vào cảng, lãng phí thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng hải sản, khiến ngư dân phải cập một số bến cá tự phát, nên không vào cảng cá khai báo. Công việc khai thác hàng ngày trên biển rất vất vả, việc ghi nhật ký phải chi tiết, tỉ mỉ khối lượng của từng loại cá, thời gian, vị trí...; trong khi đó ở ngoài khơi sóng to, gió lớn, các thuyền viên phải tranh thủ tối đa thời gian để khai thác hải sản nên việc ghi chép nhiều khi chưa thực hiện đều đặn. Do luồng lạch bị bồi lấp chưa được khơi thông nên tàu cá ra vào cảng đều phụ thuộc vào thủy triều, chỉ hoạt động được 4-5 giờ/ngày, khiến ngư dân rất bị động trong việc ra vào cảng, nhất là tàu công suất lớn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số bến cá ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương được đầu tư xây dựng cho tàu thuyền của ngư dân ra vào nhưng lại không có chức năng truy xuất nguồn gốc hải sản.
Ông Lê Văn Thăng, Trưởng Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá Cảng cá Hòa Lộc, cho biết: Lâu nay, việc chấp hành của chủ tàu, thuyền trưởng trong việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định còn hạn chế. Chất lượng sổ ghi nhật ký khai thác, nội dung ghi chép thấp không đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc hải sản. Hiện văn phòng đang tiếp tục tuyên truyền đến với các chủ tàu, thuyền trưởng và các hộ ngư dân tham gia khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá hiểu rõ và thực hiện các chủ trương của Nhà nước về vấn đề khai thác bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định. Phối hợp với UBND các xã bãi ngang của huyện Hậu Lộc và UBND xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành việc khai báo thông tin trước và sau mỗi chuyến ra khơi khai thác hải sản. Đồng thời, cấp phát sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi đầy đủ các thông tin vào sổ nhật ký khai thác là cơ sở xác nhận nguồn gốc hải sản. Thực hiện trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra vào cảng và thực hiện nhanh nhất các thủ tục cần thiết cho các tàu cá đủ điều kiện xuất bến khai thác hải sản.
Nhằm tổ chức cho ngư dân trong tỉnh chủ động khai báo thông tin liên quan đến việc khai thác hải sản, mỗi khi cập bến, rời bến, ngành nông nghiệp và các địa phương ven biển đang nỗ lực phối hợp tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ những lợi ích về mặt kinh tế khi khai báo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, khuyến cáo ngư dân đánh bắt đúng ngư trường quy định và kiên quyết không cấp giấy phép khai thác hải sản nếu chủ tàu vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp.
Bài và ảnh: Lê Hợi