Thực hiện hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học

Thời gian qua, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh, tạo áp lực về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Song, ngành giáo dục tích cực huy động các nguồn vốn để kiên cố hóa trường, lớp học, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy học cho các nhà trường.

Năm học 2023 - 2024, tỉnh có 519 cơ sở giáo dục với 5.794 lớp học, 135.941 trẻ em, học sinh các cấp học; toàn ngành có 10.964 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tiếp tục duy trì 1 trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú cấp THPT, 12 trường PTDT nội trú cấp THCS, 52 trường PTDT bán trú. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, số lượng học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh còn 819 điểm trường với 461 điểm trường cấp mầm non và 242 điểm trường cấp tiểu học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Thư cho biết: Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT, UBND các huyện, Thành phố rà soát, đề xuất nhu cầu về đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để bố trí kinh phí thực hiện. Sở GD&ĐT tham mưu các cấp về hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, công khai các quy hoạch phát triển GD&ĐT. Nguồn vốn để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chủ yếu thực hiện từ các nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước chi cho địa phương. Trong đó, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đầu tư trên 400 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo, xây mới gần 600 phòng học kiên cố tại các trường học vùng khó khăn; tạo điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng cho các cơ sở giáo dục, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tạo cơ sở để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngân sách Trung ương đầu tư gần 200 tỷ đồng thực hiện 72 công trình sửa chữa, nâng cấp về hạ tầng cho các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Sau khi Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2025 có hiệu lực, tỉnh ban hành Kế hoạch số 772/KH-UBND ngày 30/3/2020 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục và tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông. Chỉ đạo các huyện, Thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương.

Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) được đầu tư xây mới.

Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) được đầu tư xây mới.

Năm 2013, toàn tỉnh có 4.626 phòng học tại các cấp học, trong đó, phòng học kiên cố 3.003 phòng, chiếm 65%; 1.343 phòng công vụ cho giáo viên, trên 90% đã kiên cố hóa. Sau 10 năm thực hiện, đến đầu năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 6.617 phòng học từ cấp mầm non đến THPT, tăng 1.991 phòng học so với năm 2013, trong đó 5.028 phòng học kiên cố, chiếm 76%; 1.527 phòng bán kiên cố, chiếm 23%; còn 62 phòng tạm, chiếm 1%. Có 1.789 phòng công vụ cho giáo viên, trên 90% đã kiên cố hóa. Tại các trường tiểu học, do mật độ điểm trường cao vẫn còn 40% là phòng học bán kiên cố và tạm.

Giai đoạn 2013 - 2024, toàn tỉnh huy động nguồn lực xã hội hóa gần 150 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp, cải tạo gần 200 phòng học và hơn 30 phòng công vụ giáo viên tại 56 trường. Một số đơn vị, cá nhân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thực sự quan tâm và hỗ trợ nguồn lực lớn cho tỉnh. Tiêu biểu như: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng, Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ gần 20 tỷ đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ 10 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng tài trợ 16 tỷ đồng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tài trợ 10 tỷ đồng, Dự án Childfund tài trợ gần 50 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thông qua Công ty Xăng dầu Cao Bằng và Sở GD&ĐT) tài trợ 20 tỷ đồng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tài trợ gần 4 tỷ đồng... để kiên cố hóa các trường, lớp học trên địa bàn tỉnh.

Đến Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) những ngày cuối năm, không khí vui tươi, phấn khởi ngập tràn trên từng khuôn mặt của học sinh và thầy, cô giáo được học trong ngôi trường mới khang trang tiện nghi hơn. Hiệu trưởng Trường THPT Nà Bao Nguyễn Thanh Bình cho biết: Năm học này, trường được Sở GD&ĐT phối hợp với Ủy ban MTTQ và Công ty Xăng dầu Cao Bằng đầu tư 20 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp nhà hiệu bộ 2 tầng, nhà lớp học bộ môn 3 tầng, nhà đa năng, nhà vệ sinh, 3 nhà để xe cho giáo viên, học sinh, sân khấu ngoài trời, nhà bảo vệ... Công trình được khởi công từ tháng 4/2024, đến tháng 8/2024 các hạng mục đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Thầy trò nhà trường rất vui khi được giảng dạy và học tập trong các phòng học mới rộng rãi, khang trang với trang thiết bị, đồ dùng học tập mới, hiện đại.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-kien-co-hoa-truong-lop-hoc-3174450.html