Thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Hà Quảng
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022. Việc thực hiện Chương trình này đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.
Niềm vui ngôi nhà mới
Những ngày cuối tháng 6/2024, vượt đường dốc cheo leo, trơn trượt, chúng tôi đã có mặt tại ngôi nhà mới khang trang của gia đình anh Lý Văn Nó ở xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Ngôi nhà có diện tích chừng 100m2, cột gỗ, mái tôn thoáng đãng, rộng rãi, thoải mái cho các con anh Nó nô đùa, chạy nhảy.
Nhà anh Nó hiện có 10 nhân khẩu, gồm bố mẹ, hai vợ chồng anh Nó và 6 đứa con. Trước đây gia đình anh với 3 thế hệ sống trong ngôi nhà chật chội chừng 40m2, tường dựng bằng mấy tấm ván cũ nát và cọc tre tạm bợ, mái lớp fibro.
Ngồi trong nhà giữa cái nắng tháng 6 nóng hầm hập, cảm giác bí bách rất khó chịu. Nhưng đến mùa đông thì gió lạnh lùa thông thống, vợ chồng con cái dúm vào nhau, co ro tránh rét rất khổ sở.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Lý Văn Nó, chính quyền địa phương đã xuống khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, và kịp thời có chính sách hỗ trợ xây nhà mới cho gia đình để ổn định cuộc sống.
Anh Nó kể, sợ nhất là những ngày mưa, cả nhà chạy lo quanh tránh nước mưa dột từ mái xuống, thốc từ bên ngoài qua vách gỗ vào nhà rất khổ sở. Nhưng nhà nghèo, cơm ăn còn chưa đủ no, cuộc sống trông vào mấy vạt ngô thì lấy đâu ra tiền xây nhà mới. Bởi vậy biết là bố mẹ, vợ con mình đang chịu cảnh khổ nhưng là trụ cột gia đình, anh Nó không biết phải làm sao. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Lý Văn Nó, chính quyền địa phương đã xuống khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, và kịp thời có chính sách hỗ trợ xây nhà mới cho gia đình để ổn định cuộc sống.
Khi chúng tôi hỏi về ngôi nhà mới hiện nay, khuôn mặt anh Lý Văn Nó rạng rỡ hẳn lên. Anh kể, năm 2023 nhà anh được nhận nhà mới, cả nhà vui lắm vì bây giờ mùa mưa đến cả nhà không ai còn phải sợ nữa, đã có thể yên tâm, ngủ ngon. Nhà lại rộng rãi nên việc bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình cũng thoải mái hơn, không còn cảnh chen chúc, ngột ngạt như hồi sống ở nhà cũ. Ngôi nhà đã thực sự mang đến sự thay đổi lớn lao đối với cả gia đình anh.
Cuộc sống từng bước khởi sắc
Gia đình anh Lý Văn Nó là một trong nhiều gia đình ở huyện Hà Quảng được hưởng lợi từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, nhà có hoàn cảnh khó khăn. Cách nhà anh Nó không xa, gia đình anh Sùng Văn Đình và chị Ma Thị Soái là một trong 38 hộ dân trên địa bàn xã Thượng Thôn năm 2022 nhận hỗ trợ theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Mới đây, những ngày đầu năm 2024, ước mơ của bà Ngô Thị Chàu về một ngôi nhà mới thay thế nhà tạm làm bằng nứa, ván ghép đã trở thành sự thực. Trên mảnh đất Thượng Thôn hôm nay đang mọc lên ngày càng nhiều những ngôi nhà khang trang, vững chắc, từng bước mang lại cuộc sống ổn định, an vui cho bà con.
Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà mới cho bà con hộ nghèo, gia đình khó khăn, chính quyền địa phương còn hết sức quan tâm đến vấn đề tạo sinh kế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà mới cho bà con hộ nghèo, gia đình khó khăn, chính quyền địa phương còn hết sức quan tâm đến vấn đề tạo sinh kế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững. Như gia đình anh Lý Văn Nó đã được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp trâu, bò giúp gia đình có thêm sinh kế. Hiện vợ chồng anh Nó đang chăm 4 con trâu, 1 con đang mang bầu và 1 con nghé. Vợ chồng anh cũng động viên, bảo ban nhau nuôi thêm lợn gà, trồng ngô, lạc, gừng... Nhờ đó cuộc sống từng bước được cải thiện, vợ chồng con cái cơ bản đã đủ ăn vào những ngày giáp hạt.
Song song đ,ó chính quyền hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người dân thông qua Phòng Lao động huyện, giúp người dân tăng thêm thu nhập, không chỉ còn trông chờ vào những diện tích canh tác cằn cỗi, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhờ tư vấn kịp thời từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều người dân tại Hà Quảng đã tìm được việc làm trong các công ty, giúp mang lại thu nhập ổn định để trang trải các chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Như anh Sùng Văn Đình, thời điểm chúng tôi đến Thượng Thôn, anh đang có mặt tại nhà để thu hoạch nốt vụ ngô. Anh Đình cho biết, mình vẫn tích cực làm thêm bên ngoài như phụ xây, phụ hồ,... nhận lương theo ngày công nên cuộc sống của gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con đã bớt khó khăn.
Nhờ tư vấn kịp thời từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều người dân tại Hà Quảng đã tìm được việc làm trong các công ty, giúp mang lại thu nhập ổn định để trang trải các chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Một chính sách nhân văn, thiết thực
Những sự đổi thay trên mảnh đất Thượng Thôn là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả từ một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định rõ yêu cầu điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030.
Ngay trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 24/2021/QH15 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua ngày 28/7/2021. Nghị quyết 24 xác định mục tiêu đặt ra đó là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Một trong những nội dung được đề cập liên quan đến các chỉ tiêu giảm mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, Chương trình xác định rõ: chiều thiếu hụt về nhà ở: tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Một trong những nội dung được đề cập liên quan đến các chỉ tiêu giảm mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, Chương trình xác định rõ: chiều thiếu hụt về nhà ở: tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Chính sách này nhanh chóng được các địa phương triển khai, phát huy hiệu quả trên thực tế, được người dân, nhất là khu vực các huyện nghèo thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa hết sức phấn khởi.
Anh Lý Văn Nó chia sẻ, nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, không biết đến lúc nào gia đình anh mới có được ngôi nhà chắc chắn, thoáng mát như hiện nay. Chỉ tính riêng tại Thượng Thôn, trong năm 2021, xã đã hoàn thành xây mới 25 nhà, sửa chữa 4 nhà, 7 nhà lắp ghép với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022, có 41 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 19 nhà làm mới, 22 nhà sửa chữa. Năm 2023, hoàn thành xây mới 6 nhà, sửa chữa 12 nhà, xã hội hóa 2 nhà, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Năm 2024, xã Thượng Thôn được phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ 110 hộ, trong đó 50 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa nhà ở.
Phía sau những con số tưởng chừng hết sức khô cứng này là niềm hạnh phúc của biết bao gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là những nụ cười, niềm hân hoan từ người già đến trẻ em khi được dọn sang căn nhà mới.
Nằm ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đời sống của bà con ở xã Thượng Thôn nói riêng, huyện Hà Quảng nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ cao, hiện toàn xã vẫn còn 455 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo bởi vậy việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn là mong mỏi của chính quyền cũng như người dân nơi đây.
Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế đang còn nhiều vướng mắc, trở ngại. Tính toàn huyện Hà Quảng, năm 2024 chỉ tiêu được giao là xóa bỏ 1.134 nhà tạm, nhà dột nát. Báo cáo ba tháng đầu năm, huyện đã thực hiện được 393 ngôi nhà, số còn lại hiện đang tiếp tục thực hiện, trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, đúng địa chỉ.
Theo bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng cho biết: Các hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát chủ yếu là các hộ nghèo, vì vậy kinh phí đối ứng để thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở chủ yếu là sẽ vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn người thân.
Bên cạnh đó, đường đi đến các hộ gia đình không thuận tiện, việc vận chuyển vật liệu như xi măng, cát, đá rất khó khăn. Bởi vậy trong quá trình thực hiện, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Các hộ gia đình đã có kế hoạch và có địa chỉ từng hộ cụ thể, các cán bộ phụ trách xóm sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện theo tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng và mái cứng).
Với những hộ gia đình mà đường đi lại khó khăn thì sẽ tuyên truyền, vận động bà con, các hội đoàn thể vào cuộc để giúp vận chuyển vật liệu để hộ gia đình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở.
Mong rằng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, tới đây đời sống của người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Quảng cũng như ở nhiều vùng miền của đất nước sẽ có những chuyển biến tích cực; tình trạng nhà tạm, nhà dột nát sẽ từng bước được xóa bỏ hoàn toàn.