Thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Nghị quyết số 830 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Theo đó, toàn tỉnh Hòa Bình sẽ phải sắp xếp để giảm 1 huyện, giảm 61 xã, thị trấn và tăng 2 phường so với trước đây. Khá gấp gáp và gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tuy nhiên tỉnh ta đã quyết tâm thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức xã Thành Sơn (Mai Châu) hoạt động ổn định sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức xã Thành Sơn (Mai Châu) hoạt động ổn định sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Kim Bôi là 1 trong những địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp nhiều nhất tỉnh. Toàn huyện tiến hành sắp xếp 17 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 11 xã. Sau khi sắp xếp, huyện chỉ còn lại 16 xã và 1 thị trấn. Đồng chí Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Ngày 14/1/2020, Huyện ủy Kim Bôi đã ban hành Quyết định thành lập 6 Đảng bộ trực thuộc và tổ chỉ đạo công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Đối với công tác chính quyền, ngày 16/1/2020, HĐND 6 đơn vị hành chính cấp xã mới đã tổ chức kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh. Đến nay, chỉ còn xã Hợp Tiến khuyết chức danh Phó Chủ tịch HĐND do số phiếu bầu chỉ đạt 45,45%; các xã khác đã bầu đủ các chức danh; các chức danh đã được phê chuẩn theo quy định. Sau sắp xếp, các đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định. Vấn đề lớn nhất của Kim Bôi hiện nay là thực hiện chế độ, chính sách đối với CB, CC, người lao động dôi dư sau sắp xếp. Huyện đã có 75 CB, CC đăng ký nghỉ hưu và nghỉ việc; tổng số cán bộ hoạt động không chuyên trách là 218 người, đã có 196 người đăng ký nghỉ có nộp hồ sơ. Đặc biệt, toàn huyện dôi dư 134 CB, CC. Nhưng khó khăn, phát sinh khác đã và đang được huyện triển khai đảm bảo đúng theo Nghị quyết số 830 cũng như kế hoạch của UBND tỉnh.

Cùng với huyện Kim Bôi, từ đầu năm 2020 đến nay, tất cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh đã cùng vào cuộc mạnh mẽ, tích cực để thể hiện có hiệu quả Nghị quyết số 830. Ngày 2/1/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01 về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 830, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện. Từ kế hoạch này, các cơ quan đơn vị cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai các nội dung liên quan.

Một trong những nội dung quan trọng đã được khẩn trương triển khai là tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin việc tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính tại địa phương. Tập trung vào các nội dung như: thời gian bắt đầu hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và bố trí công sở, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, công trình công cộng của đơn vị hành chính mới hình thành; quy định, việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Vấn đề sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp được chú trọng hàng đầu. Đối với sắp xếp huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình, ngày 10/2/2020, HĐND thành phố Hòa Bình (mới hình thành) đã tổ chức kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh HĐND, UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đồng thời thực hiện tổ chức lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc theo quy định. UB MTTQ và các tổ chức CT – XH, tổ chức hội có tính chất đặc thù đã được cơ quan cấp trên trực tiếp thực hiện theo quy định của Luật, Điều lệ, đảm bảo quy định pháp luật, đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, BCH Đảng bộ các huyện, thành phố đã ban hành quyết định về thành lập Đảng bộ, chỉ định Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy cấp xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến nay, tất cả các tổ chức Đảng tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành đã được thành lập và đi vào hoạt động. HĐND, UBND cấp xã cũng đã được hình thành đảm bảo quy định.

Qua tìm hiểu thực tế, hiện, các trường học vẫn được giữ nguyên để đảm bảo theo quy định về tiêu chuẩn trường; một số đơn vị có sự thay đổi về dấu do thay đổi địa danh đã thực hiện đăng ký khắc dấu theo hướng dẫn của Công an tỉnh. Các trạm y tế đã tiến hành nhập theo đơn vị hành chính mới hình thành, tuy nhiên vẫn duy trì khám, chữa bệnh tại các trạm y tế như cũ (chuyển thành điểm trạm y tế) để đảm bảo cho nhân dân trong khu vực liên quan thuận tiện đi lại và việc khám, chữa bệnh được tốt nhất. Việc chuyển thôn, xóm thành tổ dân phố khi nhập, điều chỉnh từ xã vào phường, thị trấn; việc đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trùng nhau khi sắp xếp các đơn vị cùng cấp cũng đã được Sở Nội vụ hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là thực hiện chế độ, chính sách đối với CB, CC, người lao động dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định về chính sách, hỗ trợ đối với CB, CC, VC hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở cấp huyện và CB, CC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Liên ngành Sở Nội vụ - Sở Tài chính - Ban Tổ chức Tỉnh ủy - BHXH tỉnh đã ban hành hướng dẫn thực hiện. Đến nay đã có 3 đơn vị gồm: huyện Kim Bôi, Tân Lạc và TP Hòa Bình (cũ) có văn bản đề nghị kèm hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách cho CB, CC cấp xã dôi dư, nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc xác định số lượng CB, CC, người lao động dôi dư và lập hồ sơ nghỉ việc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đang được các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện; quá trình thực hiện luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã và đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: công tác bố trí, sắp xếp CB, CC gặp nhiều khó khăn do số lượng CB, CC dôi dư quá nhiều; có sự thiệt thòi đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đủ 20 năm công tác có tham gia BHXH. Ngoài ra thì người dân phải đi làm thủ tục hành chính địa điểm ở xa nên cũng gặp nhiều khó khăn; trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn cũ đều chật hẹp, nếu dồn hết CB, CC về một trụ sở làm việc thì quá chật, không đủ phòng làm việc; một số trụ sở, nhà văn hóa xã cũ dôi dư chưa có phương án sử dụng phù hợp... Thực tế này đòi hỏi cần có sự hướng dẫn, điều chỉnh khẩn trương, phù hợp của chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/139227/thuc-hien-hieu-qua,-dung-tien-do-nghi-quyet-so-830-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen,-xa.htm