Thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia giảm nghèo

Các địa phương phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.

Trước tác động của lạm phát, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo gặp rất nhiều thách thức.

Trước tác động của lạm phát, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo gặp rất nhiều thách thức.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại công văn số 2113/LĐTBXH-VPQGGN về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023 và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Văn bản nêu rõ: Cần tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương cần đổi mới cách thức triển khai Chương trình theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng phù hợp điều kiện thực tiễn và đặc thù của tỉnh theo quy định.

Hiện nay nhằm thực hiện hiệu quả dự án giảm nghèo bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng đang có nhu cầu lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo năm 2023. Cụ thể, căn cứ đề xuất các dự án, mô hình là các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất các dự án, mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và các mục tiêu về giảm nghèo của địa phương.

Thời gian thực hiện dự án trong năm 2023 trên phạm vi cả nước, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nhiều địa phương ban hành chuẩn nghèo cao hơn quy định

Trước đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình). Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình đã chịu những tác động đáng kể trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Về phía Bộ LĐTB&XH, cơ quan này đã ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú như bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về công tác giảm nghèo, sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại,...

Về xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết; Chính phủ ban hành 1 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định; các Bộ ban hành 8 thông tư. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; các bộ ban hành 4 quyết định.

Tại các tỉnh, thành phố, đã có 48/48 địa phương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, 5/13 địa phương tự cân đối ngân sách ban hành quy định phân bổ vốn ngân sách địa phương. 31/48 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép. 24/48 địa phương huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 28/48 địa phương đã ban hành văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. 34/48 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 3 năm nay, có 8 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Quảng Ninh.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-hien-hieu-qua-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-5720338.html