Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Tỉnh đã và đang chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Với quyết tâm chính trị cao và cách tiếp cận thực tiễn, các chính sách của tỉnh không ngừng tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, giúp doanh nghiệp vươn lên, mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong nước cũng như khu vực.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chủ động theo dõi tình hình kinh tế - xã hội, thường xuyên rà soát và đề xuất các chính sách sát thực tiễn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư qua việc đơn giản hóa thủ tục, phát triển dịch vụ công trực tuyến và xây dựng nền hành chính thân thiện, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, xuất - nhập khẩu.
Đến tháng 5/2025, toàn tỉnh có hơn 2.154 doanh nghiệp, trong đó trên 60% đang hoạt động ổn định. Khu vực kinh tế tập thể đang dần khởi sắc với hơn 451 hợp tác xã, tổng vốn đăng ký vượt 1.000 tỷ đồng, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông thôn. Với phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, tỉnh chủ động thúc đẩy các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với lợi thế địa phương. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - nông dân - hợp tác xã đã được hình thành, giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm tại chỗ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ trên 70 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài nước tại Đà Nẵng, Hà Nội, các nước Hà Lan, Bỉ... Đồng thời tổ chức phiên chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (từ ngày 2 - 3/5/2025) và Tuần hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 16 - 8/5/2025)… Qua đó đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu hàng hóa Cao Bằng ngày càng vững chắc.

Nhiều mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - nông dân - hợp tác xã đã được hình thành.
Một trong những trọng điểm chiến lược được xác định là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt cho các dự án hạ tầng then chốt. Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cùng các tuyến kết nối cửa khẩu đang được triển khai khẩn trương nhằm tháo gỡ nút thắt vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics và tạo đòn bẩy giao thương giữa Cao Bằng với Trung Quốc và các tỉnh trong nước. Sự đầu tư bài bản vào hạ tầng không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp nhỏ mà còn khẳng định vai trò chiến lược của Cao Bằng trong kết nối kinh tế liên vùng. Tận dụng lợi thế vị trí địa lý, Cao Bằng đang từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp vùng biên. Tỉnh chủ động nâng cấp hệ thống logistics, chợ cửa khẩu, kho lạnh, bến bãi tại các khu vực giáp ranh như Tà Lùng, Trà Lĩnh - Long Bang, Sóc Giang... Hướng đi này không chỉ thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu mà còn tạo tiền đề hình thành các cụm ngành nghề gắn với văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng và sản phẩm đặc thù vùng cao.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng được đảm bảo ổn định. Các tổ chức tín dụng đã và đang tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn, kinh tế cửa khẩu, du lịch - dịch vụ, đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất và ứng dụng công nghệ vào chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực như miến dong, chè, lạc, dược liệu… Ngoài nỗ lực thúc đẩy sản xuất, Cao Bằng còn tích cực áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, giúp mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp được hỗ trợ phần mềm quản trị, công cụ số hóa giúp quản lý hiệu quả, nâng cao năng suất và giảm chi phí, góp phần nâng tầm thương hiệu hàng hóa Cao Bằng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.. Trong 5 tháng năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tăng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 102% so với cùng kỳ, đặc biệt, thu xuất nhập khẩu đã vượt dự toán HĐND tỉnh giao 46%.