Thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ một số mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi ở Triệu Phong

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2017/NQ ngày 21/7/2017 của HĐND huyện Triệu Phong về hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi giai đoạn năm 2017 - 2020, đến nay huyện Triệu Phong đã huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi…

 Mô hình trồng ném trên cát mang lại hiệu quả kinh tế ở xã Triệu Vân, Triệu Phong

Mô hình trồng ném trên cát mang lại hiệu quả kinh tế ở xã Triệu Vân, Triệu Phong

Hiện toàn huyện Triệu Phong đã tiến hành chuyển đổi và xây dựng cánh đồng lớn ở 47 HTX với diện tích 1.605 ha (quy mô tập trung từ 30 ha/cánh đồng đối với cây lúa và 5 ha trở lên đối với cây hoa màu). Việc xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện đã góp phần chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung, hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng phát triển bền vững. Huyện cũng đã hỗ trợ việc sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên với diện tích 42,2 ha ở các xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch. Đây là mô hình sản xuất bằng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các chất kích thích nên cho ra sản phẩm sạch, an toàn (năng suất lúa bình quân đạt 44 tạ/ha, thấp hơn hình thức canh tác thông thường 20- 25%, nhưng giá bán sản phẩm tăng 40 - 50%, mang lại hiệu quả kinh tế cao).

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…, huyện đã chủ động liên kết với Công ty phân bón hữu cơ Ong Biển sản xuất lúa hữu cơ tại các xã Triệu Đại, Triệu Trung; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện 20 ha lúa canh tác theo hướng bán hữu cơ ở xã Triệu Thuận… Cùng với việc hỗ trợ các biện pháp sản xuất mới trên cây lúa, huyện cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 56 trang trại và 130 gia trại, trong đó đã cấp chứng chỉ cho 46 trang trại. Các trang trại, gia trại chăn nuôi với số lượng lớn và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoặc nuôi theo hình thức hợp đồng gia công bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện đã chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình như mô hình trang trại sen- cá kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao (toàn huyện có hơn 90 ha trồng sen kết hợp thả cá trên diện tích đất khó sản xuất lúa, lợi nhuận đạt từ 100- 150 triệu đồng); đầu tư và nhân rộng 3 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, chăn nuôi lợn, nuôi gà thương phẩm, luân canh nhiều vụ và sản xuất rau an toàn; tập trung xây dựng một số mô hình mới như trồng 22 ha dứa, 2 ha cây cà gai leo, trồng thí điểm 1,5 ha cây đinh lăng, tiến hành trồng thử nghiệm 5 ha cam ở một số địa phương có thổ nhưỡng phù hợp.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07/2017/NQ thời gian tới huyện Triệu Phong sẽ khuyến khích các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao; chú trọng xây dựng cánh đồng lớn, trang trại, gia trại; tiến hành rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn và phát triển trang trại, gia trại trên địa bàn từng xã; khuyến khích việc liên kết hộ và chuyển đổi quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất để có diện tích quy mô lớn, tập trung cho các hộ, HTX có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế; các HTX chủ động trong liên kết với các doanh nghiệp trong tất cả các khâu sản xuất (đảm bảo liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm); chủ trang trại được cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho thuê đất ổn định lâu dài từ quỹ đất địa phương hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn cũng như trang trại, gia trại; các xã trên địa bàn huyện chủ động quy hoạch vùng sản xuất cánh đồng lớn, khu phát triển kinh tế trang trại, gia trại…; tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, bố trí vùng chuyên canh sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên; tiếp tục duy trì diện tích trồng rau màu sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên (khuyến khích người dân mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà màng… để sản xuất); duy trì các mô hình nuôi gà, lợn theo phương thức canh tác tự nhiên và xây dựng mới thêm các mô hình nhằm thu hút sự tham gia từ 50 - 100 hộ/năm; khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu như cà gai leo, sâm Bố Chính; chỉ đạo xã Triệu Thượng xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể để phấn đấu đến năm 2020 tiến hành phục tráng 0,5 ha bưởi thanh trà ở thôn Thượng Phước; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và sử dụng nguồn vốn từ các chương trình MTQG, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để lựa chọn đầu tư, xây dựng các mô hình điển hình để từng bước nhân rộng trên địa bàn toàn huyện; trong năm 2019, xây dựng 2 mô hình gồm mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và mô hình nuôi tôm theo quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học Biofloc ở xã Triệu An; xây dựng 1 mô hình nuôi lợn quy mô 600 con/lứa ở xã Triệu Tài… Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong cũng chú trọng việc ưu tiên đầu tư giao thông nội đồng, thủy lợi cho vùng sản xuất tập trung; đầu tư hệ thống điện, giao thông, các công trình phụ trợ về xử lí nước thải, môi trường cho vùng chăn nuôi; mở các lớp tập huấn cho người dân để chuyển giao tiến bộ kĩ thuật về cây trồng, vật nuôi; chú trọng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp; từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap… và nhiều lĩnh vực khác.

HTS

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143078