Thực hiện hỏa táng cho người quá cố: Tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh
Ngày 20-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21-3-2016 của UBND thành phố quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội (Quyết định 08). Kết quả thực hiện nổi bật trong 3 năm qua cho thấy, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng được người dân đồng thuận, ủng hộ, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố.
Nhiều chuyển biến tích cực
Suốt nhiều thập kỷ, nhân dân ta thường tổ chức việc tang cho người quá cố sao cho chu toàn nhất theo cách nghĩ có phần cổ hủ, lạc hậu. Đó là việc lễ chín, ăn uống trong lễ tang; là những hủ tục như lăn đường, rải vàng mã trên đường đi đưa tang; chọn hình thức hung táng cho người qua đời, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng tới môi trường…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích xuất sắc tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng và tổng kết chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo năm 2018. Ảnh: Viết Thành
Để người dân thay đổi nếp nghĩ, ngoài các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng cho người thân khi qua đời, trong đó có Quyết định 08.
Thực hiện quyết định này, thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển 1 triệu đồng/trường hợp ở khu vực ngoại thành, 500.000 đồng/trường hợp ở khu vực nội thành. Các quận, huyện, thị xã cũng hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng đối với người quá cố.
Ngoài kinh phí hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị chức năng còn ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác hỗ trợ hỏa táng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Theo Trưởng ban Phục vụ lễ tang Hà Nội Nguyễn Văn Sáng, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương mở 55 điểm giao dịch về dịch vụ tang lễ ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. Quy trình giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến việc hỏa táng được rút ngắn.
Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động khai tử từ năm 2016 đến nay đã góp phần tiết kiệm chi phí cho nhân dân gần 5 tỷ đồng và giảm bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết.
Thấy rõ hiệu quả, tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2015, số ca hỏa táng toàn thành phố đạt hơn 46%, thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên gần 61% (khu vực nội thành đạt 74,16%, ngoại thành 50,86%).
Những địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao như: quận Ba Đình gần 91%; quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm gần 89%; huyện Đông Anh gần 76%... Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương tiếp tục tăng. Dự kiến trong giai đoạn 2020-2025, Hà Nội có ít nhất 65% số ca tử vong được đưa đi hỏa táng...
Hỗ trợ toàn diện
Ngày càng có nhiều người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cho người thân sau khi họ qua đời là minh chứng rõ nhất để khẳng định những điểm ưu việt, tiến bộ của Quyết định 08, song đặt ra nhiệm vụ phải sớm mở rộng quy mô, công suất của các cơ sở hỏa táng…
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy chuẩn quốc gia về xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; phân cấp các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý nghĩa trang, nhà tang lễ và cơ sở hỏa táng. UBND thành phố Hà Nội nên có cơ chế đặc thù, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho các cơ sở hỏa táng…
Chia sẻ kinh nghiệm vận động nhân dân thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, việc vận động người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cần tiến hành song song, lồng ghép với các phong trào thi đua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, theo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn thành phố, từ nay đến 2050, Hà Nội cần quỹ đất khoảng 3.000ha để xây dựng nghĩa trang. Trong khi đó, mỗi trường hợp hỏa táng sẽ tiết kiệm được từ 15m2 đến 20m2 đất nghĩa trang so với hình thức hung táng. Việc lựa chọn hình thức hỏa táng cũng giúp các gia đình tiết kiệm được từ 50 đến 70 triệu đồng/trường hợp.
Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng xây dựng đề án nâng mức hỗ trợ chi phí hỏa táng, trình HĐND thành phố xem xét vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.
Với hướng đi này, chắc chắn chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng tiếp tục được người dân Hà Nội đồng thuận, ủng hộ và thực hiện, góp phần tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc tang.