Thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển

Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) luôn quan tâm đến công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện. Thậm chí, nhiều kiến nghị kiểm toán 'treo' qua nhiều năm với số tiền đọng lại hàng nghìn tỷ đồng, nhiều điểm nghẽn cơ chế, chính sách chưa được khơi thông…

Không ít kiến nghị kiểm toán bị “treo”

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động KTNN. Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.

Xác định rõ điều này, trong những năm qua, KTNN đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Các bộ, ngành, địa phương cũng ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhờ đó, kết quả thực hiện đã không ngừng được nâng cao, với tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong thực tế còn không ít những kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng trong thời gian dài.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được KTNN theo dõi, đôn đốc.

Nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp NSNN sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách; kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân - cũng còn rất khiêm tốn. Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, tính đến 31.3.2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. Tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.

Theo ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực thi, chấp hành nghiêm túc sẽ khiến cho các quy định pháp luật - nền tảng để phát triển Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa không đạt được tính hiệu lực, hiệu quả. Hay nói cách khác là mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia không đạt được.

Thậm chí, có đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn.

Theo các chuyên gia, việc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn để lại hậu quả với chính đơn vị được kiểm toán. Một mặt khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho ngân sách, mặt khác bản thân đơn vị, các cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật.

Gỡ vướng từ cơ chế

Các ý kiến tại Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về “Việc thực hiện các kết luận và kiến nghị KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” vào tháng 9.2023 chỉ rõ, một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vì vậy, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ, kịp thời hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách.

Đơn cử, qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị liên quan đến việc cho thuê tài sản đơn vị sự nghiệp không đúng quy định; công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng mục đích để ở còn bất cập… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, hiện nay việc áp dụng các quy định chung về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vào trường hợp cụ thể của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà còn nhiều điều chưa phù hợp. Để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng ngân sách cũng như thực hiện kiến nghị kiểm toán, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải nhà ở; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP trong đó có quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…

Cũng tại Phiên giải trình, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách, KTNN báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các kiến nghị kiểm toán do nguyên nhân khách quan như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, các kiến nghị từ nhiều năm trước chưa thể thực hiện do thay đổi cơ chế, chính sách…

Kiến nghị kiểm toán phải bảo đảm tính chính xác, thuyết phục

Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế…, song cả KTNN và Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các đại biểu Quốc hội, đơn vị được kiểm toán cũng cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải bảo đảm tính chính xác, thuyết phục.

Chia sẻ vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, KTNN đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù ngành đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Vì vậy, thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.

Cùng với đó, KTNN tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán… KTNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận, kiến nghị rõ ràng, khả thi; đồng hành với các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị KTNN cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; công khai kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Công khai, minh bạch là “vũ khí” quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-kiem-toan-giup-khoi-thong-nguon-luc-thuc-day-phat-trien-i360943/