Thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục về khai sinh, khai tử: Nhiều bất cập nảy sinh

Từ ngày 10/7 đến nay, toàn tỉnh thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC): 'Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí' và 'Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi'. Sau thời gian triển khai, việc liên thông đã mang lại kết quả bước đầu song cũng bộc lộ vướng mắc cần tháo gỡ.

Người dân đợi chờ, cán bộ sốt ruột

Hơn 17 giờ ngày 25/8, anh Hoàng Trọng Tưởng (SN 1988) ở thôn Tân Sơn 1, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) vẫn đợi để được làm TTHC liên thông đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con trai. Dù được công chức tư pháp xã hướng dẫn tận tình song khi anh truy cập vào cổng dịch vụ công (DVC), nhấp chuột vào phần TTHC là máy báo lỗi.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) Nguyễn Văn Thặng giải quyết TTHC cho công dân.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) Nguyễn Văn Thặng giải quyết TTHC cho công dân.

Anh Tưởng nói: “Tôi ra từ sáng song hệ thống, đường truyền cổng DVC không ổn định, liên tục báo lỗi nên vẫn phải chờ đến giờ này. Hôm nay mà chưa làm xong thì ngày mai tôi lại phải xin nghỉ việc để đến thực hiện thủ tục, rất mất thời gian”. Không riêng anh Tưởng, anh Dương Văn Cường (SN 1983) ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh đến làm thủ tục khai tử cho mẹ ruột cũng phải chờ hết buổi chiều. Việc nộp hồ sơ trực tuyến và thực hiện TTHC liên thông trên cổng DVC quốc gia hiện đang khiến nhiều công dân khác tốn công chờ đợi.

Hơn một tháng qua, toàn xã Tân Dĩnh đã ký số, ban hành bản đăng ký khai sinh điện tử, trích lục khai tử và chuyển xử lý liên thông 30 hồ sơ trực tuyến thuộc 2 nhóm TTHC nói trên. Bên cạnh những hiệu quả mang lại, quá trình triển khai, xử lý tại cơ sở còn bộc lộ một số bất cập. Ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho biết: “Do phần mềm chưa được hoàn thiện, đường truyền đôi lúc không ổn định, chưa thân thiện với người dùng điện thoại nên việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông này còn khó khăn”.

Tại xã Song Khê (TP Bắc Giang), công chức Tư pháp - Hộ tịch Trương Công Hải thông tin thêm: Đối với nhóm TTHC đăng ký khai tử, trong trường hợp người chết là chủ hộ thì chưa thể xóa đăng ký thường trú ngay được. Để thực hiện nhóm thủ tục này thì gia đình có chủ hộ chết cần họp mặt các thành viên, làm biên bản thay đổi chủ hộ sau đó nộp hồ sơ đề nghị thay đổi tại công an xã. Khi điền tờ khai điện tử trên cổng DVC đối với trường hợp người chết tại địa phương (do bệnh, cao tuổi…), người khai lại không thể tự điền nguyên nhân chết ngoài những gợi ý có sẵn trên phần mềm.

Tại một số phường, xã trên địa bàn TP Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa, cán bộ cơ sở cũng gặp khó khăn khi trên phần mềm hộ tịch điện tử không tự động cập nhật thời gian bằng chữ khi cán bộ hoàn thiện đăng ký khai tử cho công dân. Nếu giả sử khi hoàn thành đăng ký khai tử mà có điền sai một dấu, một chữ … thì phải đề nghị lên cơ quan cấp trên duyệt, sửa khiến việc trả kết quả càng mất thời gian.

Cần sớm khắc phục vướng mắc

Theo kết quả tổng hợp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh, từ ngày 10/7 đến ngày 10/8, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 633 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và 60 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.

Từ ngày 10/7 đến ngày 10/8, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 633 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và 60 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.

Việc thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông nói trên nảy sinh một số vấn đề như: Phần mềm liên thông chưa có tính năng để công dân lựa chọn thực hiện 2/3 hoặc 3/3 thủ tục thuộc nhóm, tạo bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Quá trình ký số, ban hành giấy khai sinh, trích lục khai tử điện tử chưa thông suốt, xảy ra lỗi trong quá trình phân quyền tài khoản, phải có sự hỗ trợ từ chuyên viên ở Bộ Tư pháp…

Thời gian qua, các cơ quan: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trên. Bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, Sở đã biên soạn, thiết kế tờ gấp có quy trình hướng dẫn nộp hồ sơ gửi các đơn vị, địa phương. Sở và các đơn vị đã tổ chức tập huấn 2 nhóm TTHC liên thông cho lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch nắm được quy trình, cách thức tiếp nhận, vào sổ, ký ban hành giấy khai sinh điện tử, trích lục khai tử điện tử.

Công an tỉnh đẩy mạnh việc thu nhận, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 phục vụ các dịch vụ công trực tuyến. Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, hiện Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh đang tiến hành kiểm tra việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông tại tất cả các đơn vị, địa phương.

Qua đó thống kê một số kiến nghị để kịp thời điều chỉnh, xử lý; gửi lên Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cấp hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch, hạn chế sự cố gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết TTHC. Đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) giải quyết triệt để việc chậm cấp số định danh cá nhân cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông nói trên.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/410748/thuc-hien-lien-thong-2-nhom-thu-tuc-ve-khai-sinh-khai-tu-nhieu-bat-cap-nay-sinh.html