Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan: Tự tin hội nhập, đa dạng hóa nguồn thu ngân sách

Việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặt ra thách thức đối với nguồn thu ngân sách khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết tại các Hiệp định.

Cơ hội đi kèm thách thức

Theo Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam có hơn 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã tham gia 17 FTA, trong đó 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 2 FTA đang trong quá trình đàm phán. Đây là những cánh cửa lớn, đa chiều, vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức để Việt Nam phát triển hơn nữa, tự tin hội nhập toàn cầu, đa dạng hóa các nguồn thu ngân sách.

Một trong những cơ hội to lớn đối với Việt Nam chính là việc gia tăng thu hút đầu tư từ các nước đối tác thương mại với Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân và đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội.

Đổi mới công tác quản lý thuế đã góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí quản lý hành chính thuế. Ảnh: Hồng Mến

Đổi mới công tác quản lý thuế đã góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí quản lý hành chính thuế. Ảnh: Hồng Mến

Đồng thời việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế thương mại từ các thị trường mới; cán cân thương mại tăng nhanh, dịch chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu; tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa đẩy nhanh cải cách, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những thuận lợi đó, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA cũng tồn tại những thách thức, một trong số đó là việc giảm nguồn thu ngân sách khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn như thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị, giá dầu biến động bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan.

Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), bà Lê Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan đã tích cực đổi mới tư duy chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Tích cực đổi mới công tác quản lý thuế

Việc đổi mới được thể hiện từ quá trình xây dựng chính sách pháp luật thông qua nghiên cứu, tham gia soạn thảo Luật thuế XNK, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết các luật này, Biểu thuế XNK ưu đãi, ưu đãi đặc biệt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và cam kết quốc tế…

Việc sớm triển khai áp dụng các hiệp định, công ước đã góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực; góp phần tạo sự minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tính toán hiệu quả kinh doanh, tôn trọng trị giá đàm phán giao dịch trong mua bán, khuyến khích giao thương phát triển.

Quan trọng hơn nữa là sau khi chính sách pháp luật ban hành, việc tổ chức thực hiện được triển khai cụ thể, hiệu quả theo hướng hiện đại hóa. Chẳng hạn như, Tổng cục Hải quan ban hành chế độ kế toán thuế, áp dụng tập trung trong toàn ngành; quy trình thu theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan hải quan thực hiện các chức năng quản lý thuế thông qua kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, vì vậy đã góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí quản lý hành chính thuế.

Số thu ngân sách tăng vượt dự toán

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tất cả các lĩnh vực hoạt động hải quan, giai đoạn 2016 - 2019 và năm 2021, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan đều tăng và vượt dự toán được giao, năm sau luôn tăng so với năm trước từ 4% - 6%.

Đặc biệt, công tác quản lý thu ngân sách thông qua việc phối hợp thu với các ngân hàng thương mại ngày càng hiện đại hóa, thay thế phương pháp thủ công truyền thống là nộp thuế bằng tiền mặt tại cơ quan hải quan hoặc nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước.

Bà Lê Như Quỳnh cho hay, đây là một trong những cải cách đột phá, rút ngắn thời gian nộp thuế, giảm chi phí cho người nộp thuế và chi phí quản lý, nguồn lực của cơ quan thu thuế, đặc biệt, từ tháng 10/2017 đến nay đã áp dụng phương thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, giúp người nộp thuế có thể thực hiện: Khai thuế, nộp thuế và thông quan hàng hóa “mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện” mà không phụ thuộc vào giờ làm việc, địa điểm làm việc của cơ quan thu thuế và ngân hàng.

Theo lãnh đạo Cục thuế XNK, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; đồng thời, tái thiết kế các quy trình thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ với các quy trình thủ tục hải quan.

Đồng thời, cơ quan hải quan cũng tập trung thu thập, phân tích, đánh giá, xây dựng, sử dụng, quản lý cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất về mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá hải quan, quản lý nợ thuế, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN.

Cùng với đó là áp dụng tự động hóa trong nhiều khâu như: tự động quản lý nghĩa vụ thuế, tài chính trong quản lý hàng hóa XNK, quá cảnh, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; tự động hóa việc áp dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thu thuế và không thu thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-hien-lo-trinh-cat-giam-thue-quan-tu-tin-hoi-nhap-da-dang-hoa-nguon-thu-ngan-sach-112808.html