Thực hiện Luật Quy hoạch tại Lâm Đồng

Liên quan đến lĩnh vực quy hoạch tại Lâm Đồng, thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã thực hiện chương trình giám sát và phát hiện, đề xuất, kiến nghị những vấn đề còn tồn tại, bất cập.

Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai Luật Quy hoạch và triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5807/KH-UBND ngày 16/8/2021 để triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và xác định lộ trình trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có đầy đủ các cấp độ quy hoạch, như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,… Các quy hoạch này đang được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời với quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật; các địa phương tiếp tục hoàn thiện việc phủ kín các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo kế hoạch đề ra.

Về quy hoạch đô thị: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014. Ngày 11/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 6364/VPCP-CN đồng ý chủ trương điều chỉnh Quyết định số 704/QĐ-TTg; UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiệm vụ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy định.

Theo đó, 100% các đô thị trên địa bàn các huyện (15/15 thị trấn) đã có quy hoạch chung được phê duyệt, theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung đô thị của UBND tỉnh, đến nay đã có 4 đô thị được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phủ kín ranh giới hành chính.

Tổng số đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị trên địa bàn tỉnh là 391 đồ án, trong đó, gồm 56 đồ án quy hoạch phân khu; 335 đồ án quy hoạch chi tiết đô thị.

Về quy hoạch vùng: Quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018; đến nay, có 3 đồ án đã được phê duyệt, 2 đồ án đã được thẩm định đang trình phê duyệt và 2 đồ án đang hoàn thiện.

Về quy hoạch nông thôn: 100% các xã (111/111 xã) trên địa bàn tỉnh đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Hiện nay, các địa phương đang điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện để làm cơ sở đầu tư nâng cao tiêu chí xã nông thôn mới. 100% trung tâm xã có đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, phục vụ kịp thời nhu cầu khai thác quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh (công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và của tỉnh Lâm Đồng).

Đánh giá kết quả đạt được trong quản lý Nhà nước theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của UBND tỉnh thì nhìn chung, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được lập và xét duyệt kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý cho các huyện, thành phố triển khai việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hàng năm theo quy định tại điều 52 của Luật Đất đai năm 2013 và Phụ lục báo cáo số lượng quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 đã được điều chỉnh là 12 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vào các năm 2018 đến năm 2019. Qua đối chiếu hồ sơ tại huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tại Quyết định số 1410/QĐ-UBND ngày 27/6/2019; số 1409/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 và số 904/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện và thành phố có nội dung “cập nhật các công trình dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019”. Tuy nhiên, tỉnh đã kiến nghị, có giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Ông Nguyễn Tạo - Trưởng Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 8 nội dung kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung, như: Ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa dịch vụ sản phẩm; hướng dẫn việc lấy ý kiến đối với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Sớm phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng để làm cơ sở, định hướng xây dựng các phương án phát triển ngành trên địa bàn tỉnh.

Đối với quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã tích hợp các quy hoạch, như: quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2020, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, phân cấp một số nội dung nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai. Ban hành quy định cụ thể việc tiếp nhận tài trợ các sản phẩm quy hoạch và việc quản lý, sử dụng các quy hoạch được tài trợ nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội.

Phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án đối với các quy hoạch xây dựng khu chức năng, do các khu chức năng đều đã xác định quy mô, định hướng và chỉ tiêu chủ yếu trong quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chu kỳ 10 năm.

Hiện nay, hầu hết các đồ án quy hoạch phân khu đã đầy đủ các chỉ tiêu quản lý, định hướng phát triển kinh tế, xã hội và đủ cơ sở để quản lý trong quá trình thực hiện. Do đó, cần thiết điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng các đô thị đã có quy hoạch phân khu thì không phải lập quy hoạch chi tiết, đồng thời quy hoạch phân khu là cơ sở để quản lý, triển khai thực hiện, cấp giấy phép xây dựng... Quy hoạch chi tiết chỉ cần lập cho quy hoạch của dự án đầu tư hoặc phương án chỉnh trang đô thị.

Qua đối chiếu báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, có 15/22 quy hoạch phân khu kéo dài từ 3 năm đến 5 năm và công tác cắm mốc quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Đến nay, chỉ có 2/22 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt, tổ chức cắm mốc. Theo báo cáo của UBND thành phố Bảo Lộc đối với việc điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 - 2020, có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt, trong đó 36/44 hồ sơ chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên.

Đoàn giám sát nhận thấy vẫn còn 34/44 hồ sơ chưa có ý kiến cộng đồng dân cư là chưa thực hiện đúng quy định, với nội dung điều chỉnh, chủ yếu là điều chỉnh các khu chức năng, diện tích và chỉ tiêu sử dụng đất, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, cần làm rõ các quy định pháp luật về các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại địa phương của UBND tỉnh ban hành có nội dung “cập nhật các công trình dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019” là chưa phù hợp quy định.

Qua các nội dung đánh giá trên, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tổ chức đánh giá lại chất lượng và đối chiếu pháp lý liên quan đến hồ sơ thực hiện công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trong tỉnh theo quy định pháp luật; đồng thời, xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc chưa thực hiện đúng quy định.

NGUYỆT THU (Báo Lâm Đồng)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202202/thuc-hien-luat-quy-hoach-tai-lam-dong-5767534/