Thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép nhưng trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh

Ngày 2-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Đánh giá tháng 11 "đầy khó khăn và thách thức", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với quyết tâm, ý chí cao, đoàn kết, chúng ta đã giải quyết công việc kịp thời, đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhiều điểm sáng trong khó khăn

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2020, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%. Bên cạnh đó là các điểm sáng về xuất siêu đạt mức kỷ lục 20 tỉ USD; lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, CPI bình quân 11 tháng tăng 3,51% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi nhờ cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước tăng khá trong mùa mua sắm cuối năm; sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn khi việc làm lần đầu tiên tăng trưởng 11 tháng; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện…

Thủ tướng Chính phủ cho biết tình hình thu ngân sách rất khả quan, vượt thu theo dự toán như tỉnh Quảng Ninh báo cáo vượt thu ngân sách so với nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội giao là từ 3.000-4.000 tỉ đồng, tăng trưởng GDP của nhiều địa phương vượt 2 chữ số. Nhiều địa phương tuy gặp khó khăn nhưng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển của cả nước.

Báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn - đối tác quan trọng của Việt Nam, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao.

Đồng tình với các khó khăn và thách thức mà Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ sung thêm các yếu tố như căng thẳng thương mại, thiên tai, lũ lụt… sẽ ảnh hưởng khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. "Các chuyên gia tài chính tiếp tục cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản, tài chính" - Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành về vấn đề này. Dù số DN kinh doanh trở lại tăng gần 11% song số DN ngừng hoạt động vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước và hoạt động DN còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt để có giải pháp hỗ trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11Ảnh: Quang Hiếu

Khắc phục hậu quả thiên tai

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai liên tiếp ở miền Trung từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11 đã làm 192 người chết và 57 người mất tích. Tổng thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỉ đồng. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay tất cả nhà bị hư hại, tốc mái, ngập, đều đã khắc phục, sửa chữa, riêng 1.531 hộ có nhà sập, trong thời gian xây dựng lại, chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở, đồng thời đang xác định các khu vực tái định cư hoặc bố trí đất ở xen ghép bảo đảm an toàn. Hiện Bộ NN-PTNT đang tổng hợp đề xuất hỗ trợ khẩn cấp, hướng dẫn thực hiện công tác khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bảo đảm đủ cây, con giống để gieo và nuôi trồng phục hồi tái sản xuất theo đúng thời vụ. Bố trí lực lượng, phương tiện tiếp tục cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương - nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bão lũ, sạt lở vừa qua - tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, việc làm cho người dân.

Bảo đảm sức khỏe cho người dân

Trong bối cảnh mới xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại TP HCM, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương có liên quan "thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng", không chủ quan, lơ là để dịch bệnh lây lan. Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh; giao Bộ Giao thông Vận tải xử lý trực tiếp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép nhưng trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh.. "Phát triển kinh tế để giải quyết việc làm của người dân nhưng nếu sa đà về kinh tế mà không chú ý dịch bệnh thì cái giá phải trả rất lớn như nhiều nước đã từng gặp phải" - Thủ tướng nói.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%-3%, tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. "Muốn làm được điều đó thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng" - Thủ tướng lưu ý.

Xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Về phía Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số giải pháp như chuẩn bị sẵn sàng các phương án để kịp thời nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia đã áp dụng vắc-xin; thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng lộ trình, cách thức phân phối vắc-xin để triển khai, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư. Đồng thời, đánh giá tác động của Hiệp định RCEP đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam khi Ấn Độ không tham gia hiệp định; phổ biến thông tin rộng rãi về hiệp định tới DN. Xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhắc lại đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới mà Thủ tướng đã báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT có đề án, chính sách cụ thể để triển khai. Thủ tướng cũng đề cập sáng kiến mới, chương trình mới là đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị, kích cầu tiêu dùng. "Phải đưa sản phẩm của bà con nông dân ra thành thị, có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Các chuyên gia, nhà đầu tư vẫn được vào Việt Nam

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết với quan điểm thực hiện mục tiêu kép nên các chuyến bay đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam vẫn sẽ được thực hiện nhưng công tác kiểm tra, cách ly sẽ thận trọng hơn. Ông Mai Tiến Dũng cho biết số lượng người Việt Nam ở nước ngoài như du học sinh hay người lao động hết hợp đồng mong muốn về nước khá lớn. Tuy nhiên, việc đưa về nước phải căn cứ theo điều kiện tổ chức cách ly ở trong nước, điều kiện tổ chức các chuyến bay. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, ưu tiên những người cao tuổi, những lao động hết hạn.

Sàn Forex hoạt động không đúng pháp luật

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại buổi họp báo, với sàn đầu tư chứng khoán Forex, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo ông Tú, hiện chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả các sàn đang hoạt động không bảo đảm đúng quy định của pháp luật. "Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải cẩn trọng với những lời mời chào có phù hợp thực tế hay không, phải xem xét tính chất pháp lý của các tổ chức này" - ông Tú nhấn mạnh.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuc-hien-muc-tieu-kep-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-20201202230558421.htm