Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Bịt mắt bắt heo - một trò chơi dân gian tại lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh. Ảnh: THIÊN LÝ

Thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn giá trị tinh thần, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa, Phú Yên hiện đang lưu giữ và duy trì hoạt động của hơn 40 lễ hội các dân tộc với các loại hình như: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo. Trong đó có hơn 10 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm; một số lễ hội nặng phần lễ, nhẹ phần hội (thường là các lễ hội gắn với tôn giáo, tín ngưỡng); một số lễ hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội (Đền thờ Lương Văn Chánh, Đền thờ Lê Thành Phương, cầu ngư...) và một số lễ hội nặng phần hội, nhẹ phần lễ (thường là các lễ hội gắn với hoạt động thể thao đặc trưng vùng miền như Đua thuyền Đầm Ô Loan, Sông nước Tam Giang, Đua ngựa Gò Thì Thùng...).

Những chuyển biến tích cực

Các loại hình lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn; ý thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, về đảm bảo vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, hơn hẳn so với thời gian trước đây; các cấp chính quyền đã quan tâm chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn lễ hội, vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng... Bước đầu đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân cũng như các tổ chức xã hội.

Theo Sở VH-TT-DL, trong thời gian qua, ban tổ chức các lễ hội đã xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích cũng như hướng dẫn nhân dân, khách tham quan và hành lễ nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; giữ gìn sự trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự, đẩy lùi những bất cập, tiêu cực, hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục trong việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan, đặt quá nhiều hòm công đức, thương mại hóa lễ hội, bày bán lộn xộn và tự ý nâng giá các mặt hàng.

Đặc biệt, các lễ hội truyền thống lịch sử cách mạng kháng chiến tại các di tích trên địa bàn tỉnh được chú trọng, phần lễ được thực hiện trang nghiêm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương; phần hội với nhiều hoạt động hấp dẫn, đã trở thành định lễ hàng năm, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Theo ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL, nhìn chung, các loại hình lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn; ý thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, về đảm bảo vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, hơn hẳn so với thời gian trước đây; các cấp chính quyền đã quan tâm chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn lễ hội, vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng... Bước đầu đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân cũng như các tổ chức xã hội.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Do mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội. Một số địa phương tổ chức lễ hội rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức, chưa có sự hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự của một số người tham gia lễ hội chưa cao, vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm, thiếu văn hóa khi đi lễ hội. Hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến tại các lễ hội...

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT-DL), nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bộ máy chính quyền các cấp và nhân dân về tính chất, đặc điểm, vai trò, vị trí của lễ hội trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm tối đa các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong lễ hội...

Bà Lê Thị Thùy Dâng, Trưởng Phòng VH-TT TP Tuy Hòa, cho rằng cần đề cao ý thức tham gia lễ hội của một số bộ phận du khách, dân cư địa phương thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích. Bài trừ các hiện tượng thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, thần linh, mê tín dị đoan... làm biến dạng ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, dẫn đến tình trạng tổ chức cúng tế tràn lan, lãng phí, phô trương...

Bộ VH-TT-DL vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2020. Bộ này yêu cầu việc xây dựng nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội phải bám sát các nội dung, tiêu chí, quan điểm của đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn 2020-2021; giới thiệu những nét đẹp văn hóa ứng xử văn minh trong lễ hội, những mô hình, ban tổ chức lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Nội dung và hình thức tuyên truyền ngắn ngọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn xã hội, phong tục, tập quán, đặc điểm văn hóa của Việt Nam. Qua đó nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong lễ hội, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động lễ hội. Đồng thời phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội...

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/236635/thuc-hien-nep-song-van-minh-trong-le-hoi.html