Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy: Còn nhiều lúng túng

Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đã được triển khai hơn 6 tháng qua. Nhiều ngành, địa phương tuy đã xây dựng kế hoạch, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng. TR.PHƯƠNG – M.HẠ (thực hiện)

Để Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều CB, CCVC nhận thức và hiểu biết về nghị quyết vẫn còn chung chung, cá biệt có cán bộ ở cơ sở được giao theo dõi công tác này vẫn "chưa thuộc tựa đề" của nghị quyết. Thực tế đó đang là thách thức cho việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy.

Đầu ngành còn chung chung

Sau khi Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy được ban hành, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị đã triển khai quán triệt cho đảng viên, CB, CCVC. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đã hoàn thành việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Sở VH-TT&DL đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, để góp phần giáo dục nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động TDTT, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi có tầm vóc, thể lực, trí tuệ.

Phát huy nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) để bảo tồn nét văn hóa địa phương. Ảnh: M.HẠ

Điểm nhấn trong các hoạt động này là tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Ngành GD&ĐT cũng chỉ đạo mỗi trường học dựa vào thực tế ở địa phương để xây dựng các bài giảng chuyên đề về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống để tổ chức giảng dạy trong nhà trường. Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, chia sẻ: Để mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn và xây dựng môi trường văn hóa trong trường học...

Nghị quyết 03 Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến 2020 có 88% gia đình; 78% thôn, tổ dân phố; 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 30-40% xã phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90-95%. Tỷ lệ trường chuẩn đạt quốc gia: bậc mầm non 35%; tiểu học 70%; THCS 75% và THPT 60%; 90-100% xã, phường thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính; viễn thông, Internet và điểm đọc sách. Tuổi thọ trung bình 75 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%...

Cơ sở lúng túng

Tuy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03, nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết các huyện, thành phố, nhất là ở cơ sở đều lúng túng, vì chưa biết bắt đầu từ đâu, trong khi đó kinh phí bố trí trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa văn nghệ, TDTT ngày càng eo hẹp. Không những vậy, tại các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ và TP.Quảng Ngãi... việc xác định các chỉ tiêu còn chung chung, chưa sát với thực tế, chưa làm nổi bật nét đặc trưng văn hóa riêng của từng vùng miền. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi cũng sẽ chung chung.

Như xã Ba Thành (Ba Tơ) đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, phát triển trí tuệ, giáo dục đạo đức con người trong thời kỳ mới, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, giải pháp thực hiện các mục tiêu đó chưa được đề cập một cách cụ thể. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Thị Minh Đôi lý giải: Do xã thiếu kinh phí hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, chưa quy hoạch xây dựng nhà văn hóa xã, chưa có khu vui chơi giải trí, nên việc triển khai các hoạt động văn hóa gặp nhiều khó khăn.

Toàn huyện Ba Tơ có 20 xã, thị trấn, nhưng nhiều vùng còn nghèo khó, trình độ học vấn, cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện các thiết chế văn hóa cơ sở còn yếu. Do vậy, những chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 khó thành hiện thực, nếu như không được bố trí kinh phí hợp lý.

Tại Nghĩa Hành, huyện trọng điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, nên có nhiều lợi thế cho việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, song khi bắt tay vào thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bí thư Chi bộ thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh Bùi Thanh Dũng cho rằng, nhà văn hóa thôn chưa có thiết bị để hoạt động, thiếu sân chơi, bãi tập, nhằm nâng cao thể chất cho thanh thiếu niên; thiếu tủ sách, hệ thống truyền thanh xã xuống cấp không tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước...

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời cho hay: Cái khó trong thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy là thiếu kinh phí, nhân lực theo dõi, chỉ đạo thực hiện ở cơ sở; trong khi đó lĩnh vực này liên quan đến nhiều ngành (giáo dục, y tế, văn hóa...). Ngoài việc thiếu kinh phí đầu tư xây mới, việc huy động các nguồn lực để duy tu, sửa chữa các công trình, thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

M.HẠ –TR.PHƯƠNG

-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng: "Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện"

Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy cần kiên trì, bền bỉ và liên tục. Việc thực hiện nghị quyết này phải có sự gắn kết giữa cộng đồng, khu dân cư, trường học và gia đình; trong đó ngành văn hóa là đầu mối, cơ quan tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT; kết hợp với kêu gọi xã hội hóa.

Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 03; chấn chỉnh tình trạng một số phòng, ban, đơn vị chưa thực hiện tốt nghị quyết; tăng cường giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao; huy động tổng lực các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể vào cuộc thực hiện; coi nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện thì Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy mới thật sự đi vào cuộc sống.

-Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đăng Vũ: "Bố trí nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm"

Rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy thời gian qua, ngành đã tập trung rà soát, bổ sung và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch, chương trình đã ban hành và ban hành mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về các nội dung cơ bản của Nghị quyết 03... UBND tỉnh cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thành phố xây dựng dự toán và bố trí nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã xác định trong Nghị quyết 03.

-Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh: "Việc triển khai cần phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương"

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi. Muốn vậy, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức cho CB, CCVC và các tầng lớp nhân dân; tiếp đó là phải đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để thực hiện, đòi hỏi phải có thời gian, vì đầu tư cho văn hóa không thể mang lại hiệu quả tức thời như đầu tư vào kinh tế.

Việc triển khai đầu tư trong lĩnh vực này phải đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương; từng bước hình thành các trung tâm trưng bày, triển lãm và duy trì tổ chức các hoạt động trưng bày hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Ngãi; các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT... Xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và đẩy mạnh tuyên truyền, để cán bộ ở cơ sở, người dân hiểu, tích cực tham gia.

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/201708/thuc-hien-nghi-quyet-03-cua-tinh-uy-con-nhieu-lung-tung-2838120/