Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân
Trước bối cảnh hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và chưa đồng bộ, ngày 22-5-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15 về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cơ quan chức năng, sự đồng thuận của người dân trong xây dựng 3 công trình đã thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Triển khai bài bản, quyết liệt
Ngay sau khi Nghị quyết 15 được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, chất lượng, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Các sở, ban, ngành của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh các chính sách thực hiện để trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016 về quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt các đề án xác định rõ mục tiêu và mức kinh phí thực hiện để huy động nguồn lực xây dựng 3 công trình.
Cấp ủy các cấp đã xây dựng chương trình hành động thực hiện, xác định rõ mục tiêu và các giải pháp tổ chức thực hiện, bảo đảm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Các sở, ban, ngành của tỉnh ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình thực hiện chính sách theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020 và các hướng dẫn thiết kế mẫu, cách lập dự toán mẫu, trình tự, thủ tục, kỹ thuật thi công 3 công trình trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thiết kế mẫu, cách lập dự toán mẫu và trình tự, thủ tục, kỹ thuật thi công các công trình xây dựng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 15, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương, kiểm tra thi công các công trình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các biện pháp khắc phục hiệu quả. Nhờ đó, nhiều vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, kỹ thuật lắp đặt và tổ chức huy động nhân dân tham gia xây dựng các công trình đã được giải quyết kịp thời, bảo đảm hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết đề ra.
“Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”
Khác với các giai đoạn trước thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, giai đoạn này với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” tỉnh đặc biệt coi trọng vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng 3 công trình phù hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là quá trình thay đổi tư duy, nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, hạn chế sự phụ thuộc, dựa dẫm vào Nhà nước trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
Từ mục tiêu, phương châm đã được xác định, với sự triển khai bài bản, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã huy động sức mạnh tổng hợp để có nguồn kinh phí xây dựng 3 công trình, trong đó đóng góp của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Người dân đã đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất… để tổ chức xây dựng các công trình theo kế hoạch hàng năm. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 1.366.336,592 triệu đồng để đầu tư xây dựng 3 công trình theo các đề án được phê duyệt, trong đó tổng số kinh phí Nhà nước hỗ trợ để mua cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, cấu kiện nhà văn hóa, xi măng, ống cống là 928.594,084 triệu đồng, chiếm 67,96%; nhân dân đóng góp bằng ngày công, vật tư, vật liệu 437.742,508 triệu đồng, chiếm 32,04% tổng nguồn vốn. Người dân còn tự nguyện hiến 33.249,7 m2 đất tạo mặt bằng thi công xây dựng các công trình.
Huy động tối đa nguồn lực, vậy nên trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 2.871,82 km, đạt 77,36%, vượt 7,36%; hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 702,906 km, đạt 42,87%, vượt 7,87%; đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 1.183 nhà, đạt 68,02%, vượt 28,02% so với mục tiêu Nghị quyết số 15 đề ra.
Những kết quả nổi bật từ thực hiện chính sách hỗ trợ với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trong xây dựng 3 công trình đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, giúp nhân dân đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn có ưu điểm vượt trội với mặt cắt kênh Parabol cấu tạo lòng máng với bề mặt trơn nhẵn nên đã tăng lưu lượng dẫn nước khoảng 10 - 12%, ít xảy ra rò rỉ, thất thoát nước trong kênh, dễ dàng nạo vét bùn đất hơn các loại kênh có mặt cắt khác. Đây là bước tiến lớn trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo đảm an ninh lương thực trong thời kỳ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hệ thống đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động nhờ thực hiện hiệu quả hơn cơ giới hóa nông nghiệp trong tất cả các khâu, từ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ và bảo quản sản phẩm, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như cam, chè, bưởi, cây lâm nghiệp của tỉnh. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,4 lần so với năm 2015; một số cây trồng đạt giá trị cao như cam đạt 197 triệu đồng/ha/năm, bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm, lạc đạt hơn 131 triệu đồng/ha/năm. Các công trình nhà văn hóa được đưa vào sử dụng thực sự là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; góp phần thực hiện hiệu quả bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, tăng cường sức khỏe, thể trạng con người, xây đắp tình đoàn kết thôn xóm, giữ vững an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Các công trình được xây dựng đã tạo động lực cho người dân thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Đức, thôn Quyết Tiến, xã Trường Sinh (Sơn Dương) phấn khởi nói, chưa khi nào vùng nông thôn lại được quan tâm xây dựng như hiện nay, từ vùng thấp đến vùng cao hệ thống đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, người dân thu hoạch cây trồng, nhất là lạc đều được thương lái đánh xe đến tận chân ruộng thu mua, đây là điều mà trước đây không thể có được. Còn bà Phạm Thị Lan, thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, hiện nay ở tất cả thôn trong xã đều có nhà văn hóa, đây là nơi hội tụ đam mê văn nghệ, thể thao của người dân sau mỗi buổi làm việc. Nhà văn hóa được xây dựng theo tiêu chuẩn mới không chỉ đáp ứng nơi hội họp mà còn là địa điểm tổ chức giao lưu, gặp mặt, tổ chức việc cưới của con em các dân tộc trên địa bàn.
Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 rút nhiều bài học giá trị trong triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Đó là ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, do đó đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” với tinh thần dân chủ, tự nguyện. Quá trình triển khai thực hiện có sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và khắc phục các tồn tại ở cơ sở để triển khai các công trình đúng kế hoạch đã đề ra.