Thực hiện Nghị quyết 98, tổ chức bộ máy chính quyền TP.HCM có nhiều thay đổi
Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Trong báo cáo tham luận được trình bày tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội (QH) khóa XV ngày 6-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã thông tin về công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98/2023 của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
TP triển khai hàng chục đầu việc
Theo ông Ngô Minh Châu, TP nhận thức Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, công tác chuẩn bị triển khai nghị quyết này ngay từ sớm đã được lãnh đạo TP xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong chương trình công tác.
Cụ thể, ngay khi QH thông qua Nghị quyết 98, Thành ủy TP đã ban hành Chỉ thị 27 về triển khai thực hiện Nghị quyết; Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98; HĐND TP ban hành Nghị quyết 18 về triển khai Nghị quyết này.
"Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98, trong đó xác định 28 nội dung, đề án trình HĐND TP thông qua tại các kỳ họp trong năm 2023; 26 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP phải hoàn thành trong năm 2023" - ông Châu nói.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư có tám nhiệm vụ, trong đó bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; thông qua Chương trình kích cầu đầu tư của TP; triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư quy định trong hợp đồng BT.
Quyết định sử dụng ngân sách TP để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng.
Đề án thực hiện phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa…
Về lĩnh vực tài chính ngân sách có 11 nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc thay đổi mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã có. Quyết định về mức trích lập nguồn cải cách tiền lương của một số cơ quan, đơn vị có nguồn thu lớn.
Quy định đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, mức, thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay; bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ của HFIC…
Về lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường có 17 nhiệm vụ, trong đó quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha. Danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT.
Ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)…
Về ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư có một nhiệm vụ là quy định chi tiết mẫu công bố thông tin danh mục các dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.
Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có bốn nhiệm vụ. Cụ thể, quy định các lĩnh vực, tiêu chí, điều kiện, nội dung, mức quy định về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Cùng đó là quy định về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…
Phân quyền nhiều hơn trong tổ chức bộ máy
Liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền của TP, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết có 10 nhiệm vụ, trong đó có quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí bổ sung đối tượng được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Kế hoạch bổ sung Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP Thủ Đức, ba huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Quyết định ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn.
Quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Bổ sung biên chế cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện.
Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường…
Về tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức có hai nhiệm vụ. Một là, quy định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP Thủ Đức. Hai là, quyết định ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức…
Sau hơn một tháng Nghị quyết 98 có hiệu lực và đi vào thực tiễn, TP đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 98, tổ chức Chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 8 với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Trách nhiệm - Hành động” ...
“Với tinh thần đồng tâm hiệp lực, tâm thế sẵn sàng, TP đang khẩn trương và sớm cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98, góp phần giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, là cực tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước” - ông Ngô Minh Châu nhấn mạnh.