Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc: Bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 6-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có bước phát triển đột phá, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao.
Mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Phương Giai, xã Vĩnh Tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tô Hà
Từ chủ trương đúng và trúng
Dẫn chúng tôi thăm khu sản xuất rau an toàn của hộ ông bà Dinh Dung, thôn Phương Giai, xã Vĩnh Tiến, bà Lưu Thị Thương, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tiến cho biết, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã đã tiến hành vận động nông dân triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân phấn khởi và tham gia nhiệt tình. Bên cạnh chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã cùng ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư bê tông hóa một số tuyến giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi nhằm bảo đảm phục vụ quá trình sản xuất cho người dân, khơi dậy tính chủ động của người dân trong phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng các mô hình phù hợp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng sen lấy ngó diện tích hơn 1 ha; mô hình trồng cây ăn quả, rau màu hơn 4 ha tại thôn Thổ Phụ, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản 2 ha tại thôn Tây Giai; mô hình thủy sản, trồng rau an toàn tại thôn Phương Giai...
Bà Phạm Thị Dung, thôn Phương Giai chia sẻ: Gia đình bà làm nông nghiệp, đồng đất trũng, trồng lúa hiệu quả không cao, sau khi được tham gia lớp tập huấn trồng rau an toàn, tham khảo các mô hình đã triển khai thấy hiệu quả mang lại cao nên gia đình bà đã mua lại đất nông nghiệp của các gia đình xung quanh để dồn thửa san lấp, cải tạo đồng ruộng và đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới 2.000m2 sản xuất rau an toàn, đến nay cho hiệu quả kinh tế bước đầu, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Vũ Đình Việt được biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, HĐND, UBND huyện đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước áp dụng vào sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đồng thời, đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất như: Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2021; cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao năm 2019; cơ chế hỗ trợ mua máy cày, máy cấy, máy gặt; cơ chế thưởng cho các xã về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM)... Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, bước đầu đã góp phần thực hiện tốt việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các xã còn huy động từ các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Xác định thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vừa thực hiện trực tiếp các tiêu chí NTM, huyện Vĩnh Lộc đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện. Theo đó, huyện kiện toàn ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vị trí, vai trò của việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đồng thuận cao để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân thực hiện, tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, kịp thời khen thưởng, động viên các điển hình tiên tiến. Việc quy hoạch ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất được các cấp chính quyền từ huyện đến xã triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng; nhiều ngành nghề đã hình thành, phát triển ở các vùng, địa bàn khác nhau. Đã hình thành một số HTX kiểu mới theo hướng liên doanh - liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân; toàn huyện có 35 chuỗi liên kết sản xuất đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững, trong đó, HTX làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, lĩnh vực sản xuất đã có các sản phẩm liên kết như: lúa chất lượng cao, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm... Sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ngày càng khẳng định hướng đi vững chắc cho một nền nông nghiệp xanh, chất lượng cao, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Với định hướng phát triển sản xuất các cây trồng có giá trị theo hướng tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường, bằng các giải pháp đồng bộ, huyện đã xác định tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế của địa phương, như: lúa chất lượng cao, các loại cây trồng xuất khẩu (ngô ngọt, ớt xuất khẩu, đậu tương rau...) gắn với khai thác lợi thế của từng vùng, từng xã, thị trấn, đã làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người nông dân về sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất manh mún.
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện chuyển đổi được 897,28 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hiệu quả cao, tăng 237,28 ha so với mục tiêu nghị quyết. Diện tích vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đạt 2.620 ha; đã hình thành được nhiều cánh đồng một loại giống mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích hơn 800 ha; năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha/năm, cao hơn so với bình quân của huyện là 1,5 tạ/ha. Việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đang ngày một phát triển; diện tích tích tụ, tập trung đất đai đạt 276,5 ha. Diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm không ngừng tăng qua các năm. Đã hình thành được các vùng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định với tổng diện tích hơn 600 ha; toàn huyện có 29 ha rau an toàn tập trung; 4,3 ha nhà màng, nhà lưới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Vĩnh Quang, Ninh Khang, Vĩnh Hùng, Minh Tân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phúc và thị trấn. Ngoài ra nhiều mô hình cây trồng có giá trị cao được đưa vào sản xuất như mô hình thanh long ruột đỏ, chuối ngự, cây có múi, ổi, sen, măng tây, dưa hấu... ở các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Ninh Khang, Minh Tân,... đã thực sự mang lại hiệu quả khá cao. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng; công tác bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện hiệu quả, công tác dự tính, dự báo được tăng cường, đã phát hiện và khống chế kịp thời các loại sâu bệnh khi mới phát sinh; số lượng, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân. Từ đó sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đã chuyển đổi theo hướng hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm; cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển dịch đúng hướng an toàn, hiệu quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt; dịch vụ nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp có mức tăng trưởng khá; nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; cơ giới hóa trong trồng trọt được đẩy mạnh; năng suất các loại cây trồng chính đều tăng; đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp địa phương; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trang trại, gia trại ứng dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm; doanh nghiệp, HTX là nòng cốt liên kết chuỗi kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ, tạo dựng thương hiệu nông sản trong chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản; quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp và công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nông nghiệp; xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.