Thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW trên địa bàn Tây Nguyên: Thêm sáng đẹp hình ảnh bộ đội thời bình

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương (gọi tắt là Nghị quyết 689) về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn, các đơn vị Quân đội trên địa bàn Tây Nguyên đã luôn chủ động, tổ chức huấn luyện, xây dựng phương án, hiệp đồng chặt chẽ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn...

Chính quyền tin, nhân dân mến

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, khí hậu trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng cực đoan, thiên tai có xu hướng tăng lên về cường độ và tính chất nghiêm trọng. Mùa khô thì nắng nóng, hạn hán kéo dài, tình trạng cháy nổ, cháy rừng, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt luôn ở mức báo động cao; mùa mưa thì mưa lớn, gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các loại dịch, bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, trực tiếp đe dọa đến tài sản của Nhà nước, đời sống và tính mạng của nhân dân. Vì vậy, các đơn vị: Quân khu 5, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh Tây Nguyên xác định, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu thời bình và đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, phương tiện bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước những sự cố thiên tai, dịch bệnh.

Nhiều người dân tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk không quên những thiệt hại nặng nề do bão số 5 và hoàn lưu bão số 6 (năm 2019) gây ra. Nếu không có cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, LLVT hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk thì hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, hàng nghìn héc-ta cây trồng bị đổ, ngập úng sẽ để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt là hơn 200 hộ dân tại huyện Lắc (Đắk Lắk) mắc kẹt trong lũ được LLVT tỉnh Đắk Lắk giải cứu kịp thời. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, nhiều thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Gia Lai thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, cuộc sống vô cùng khó khăn, các đơn vị của Binh đoàn 15 đã thành lập những đội cấp nước sạch, chở hàng nghìn khối nước cấp cho nhân dân. Bà con cảm kích gọi đó là những giọt nước nghĩa tình của Bộ đội Cụ Hồ.

Quân đoàn 3 huấn luyện, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn thông qua hội thi, hội thao. Ảnh: SƠN TÙNG

Quân đoàn 3 huấn luyện, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn thông qua hội thi, hội thao. Ảnh: SƠN TÙNG

Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2014 đến nay, LLVT tỉnh Kon Tum đã điều động 248.685 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng với phương tiện tham gia khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ, sạt lở đất, đá, hạn hán, cháy rừng gây ra, góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn. Nhất là năm 2018, Đại đội Trinh sát (Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) tổ chức cứu nạn thành công 4 cán bộ, nhân viên Trạm Thủy văn Đăk Mốt bị mắc kẹt giữa dòng nước xiết trên sông Pô Kô (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô), được nhân dân, chính quyền các cấp khen ngợi, làm sáng đẹp hình ảnh bộ đội thời bình. Cũng trong năm 2018, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã cử 100 cán bộ, chiến sĩ giúp nước bạn Lào khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (Lào), để lại tình cảm quốc tế trong sáng, hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ trong chính quyền, nhân dân nước bạn.

Luôn nắm thế chủ động

Một trong những bài học kinh nghiệm để thực hiện Nghị quyết 689 được các đơn vị tổng kết là quán triệt sâu sắc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và luôn nắm thế chủ động trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn. Lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng, cần phải chủ động huấn luyện, diễn tập, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, kỹ năng cứu hộ-cứu nạn cho mọi cán bộ, chiến sĩ; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức hiệp đồng với các lực lượng của địa phương; chủ động chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai giúp nhân dân xã Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai) chống ngập úng, bảo vệ tài sản, hoa màu (tháng 5-2022). Ảnh: HUY TỊNH

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai giúp nhân dân xã Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai) chống ngập úng, bảo vệ tài sản, hoa màu (tháng 5-2022). Ảnh: HUY TỊNH

Để nắm thế chủ động và triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn, Đảng ủy Quân sự tỉnh Kon Tum đã ra nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch, chương trình thực hiện. Tổ chức huấn luyện cho 7.196 lượt bộ đội thường trực và 65.939 lượt dân quân, tự vệ về cứu hộ-cứu nạn. Phối hợp tổ chức thành công các cuộc diễn tập như: Diễn tập phòng thủ dân sự giữa các huyện biên giới của tỉnh Kon Tum với tỉnh Ratanakiri (Campuchia); diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh với đề mục “Tỉnh Kon Tum phối hợp với các lực lượng của tỉnh Attapeu và lực lượng của Quân khu 5 ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện”; diễn tập chung quân y 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia... Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập 114 đội xung kích phòng, chống thiên tai; đầu tư mua sắm vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn với tổng kinh phí 39,083 tỷ đồng. Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã phân công 4.175 cán bộ, chiến sĩ cùng với các phương tiện: 10 xuồng, ca nô, máy đẩy các loại; 3.144 phao tròn, 1.730 áo phao, 15 phao bè, 19 máy phát điện, 2 máy thổi gió, 2 máy bơm chữa cháy công suất cao, 182 nhà bạt, 1 bộ thiết bị bắn dây mồi... làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn, bảo đảm khi có tình huống là cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Thế chủ động của các đơn vị Quân đoàn 3, BĐBP tỉnh Gia Lai được thể hiện rõ nét trong nội dung, chương trình huấn luyện hằng năm. Ngoài nội dung, chương trình huấn luyện tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn cho mọi cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị đều thành lập đội chuyên trách phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn và tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng này về phương pháp tìm kiếm, cứu người bị nạn và phương tiện; lái xe kéo moóc, phương pháp hạ thủy tàu, thuyền xuống bến; lái tàu, xuồng trên sông, biển; bơi cứu người bị nạn; công tác sơ cứu người bị nạn... Đại tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy BĐBP tỉnh Gia Lai khẳng định, nhờ nắm thế chủ động, chuẩn bị tốt mọi mặt mà trong 10 năm qua, BĐBP tỉnh Gia Lai đã điều động 218 lần với 1.437 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn. Ứng cứu, sơ tán 432 người từ nơi bị ngập nước, lũ quét đến nơi an toàn; chữa cháy 50ha rừng; giúp nhân dân sửa lại 186 nhà bị hỏng do bão lũ.

NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuc-hien-nghi-quyet-so-689-nq-qutw-tren-dia-ban-tay-nguyen-them-sang-dep-hinh-anh-bo-doi-thoi-binh-784435