Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng về khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 31-10, để tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 9, mưa lũ ở khu vực miền trung, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 31-10, để tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 9, mưa lũ ở khu vực miền trung, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29-10-2020; của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai số 32/CĐ-TW ngày 28-10-2020; Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30-10-2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 33/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngày 30-10-2020. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trước mắt: Khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do sạt lở đất tại các điểm sạt lở của tỉnh Quảng Nam, công trường thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế và hai tàu cá tỉnh Bình Định bị chìm ngày 27-10; tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi động viên những gia đình bị mất người, mất nhà.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện nghiêm Công điện số 33/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày 30-10-2020 về tuần tra canh gác đê để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê ngay từ giờ đầu; kiểm tra rà soát các hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ bảo đảm an toàn. Có phương án chủ động sơ tán người và tài sản, sẵn sàng bố trí lực lượng vật tư triển khai ứng cứu khi có sự cố.

Rà soát các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị.

Huy động lực lượng giúp đỡ dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất, khôi phục hệ thống điện bị hư hỏng, hệ thống giao thông bị sạt lở nhất là trên các quốc lộ, tỉnh lộ và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng khác.

Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là nhưng nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết. Kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là những hồ xung yếu, hồ đã tích đầy nước.

Rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 7 giờ ngày 31-10, thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ đã làm 27 người chết (Quảng Nam 23 người, gồm: Nam Trà My 17 người; Bắc Trà My một người; Phước Sơn năm người); Gia Lai một người, Đắk Lắk một người; Nghệ An hai người; 50 người mất tích (Nghệ An bốn người, Kon Tum một người, Bình Định 23 người, Quảng Nam 22 người); 67 người bị thương (Quảng Nam 46 người, Bình Định 17 người, Nghệ An ba người; Kon Tum một). Sơ tán 4.115 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất. Có 63 cầu bị hư hỏng; 22 cống bị bồi lấp, hư hỏng.

Tại tỉnh Nghệ An, một số điểm trên các tuyến Quốc lộ 15, 46 và 46B và đường giao thông địa phương bị sạt lở.

Tỉnh Hà Tĩnh, Quốc lộ 8A, 15, 12C và một số tuyến đường địa phương tại huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can lộc và Kỳ Anh có nhiều điểm bị sạt lở.

A.N

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thuc-hien-nghiem-cac-chi-dao-cua-thu-tuong-ve-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-622729/