Thực hiện nghiêm các quy định trong tuyển sinh đại học

Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Trong khi các trường đại học công lập cơ bản giữ ổn định chỉ tiêu hoặc tăng không đáng kể thì nhiều trường ngoài công lập có số chỉ tiêu tăng khá nhiều và đã triển khai các phương thức xét tuyển sớm.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội). (Ảnh QUÝ TÙNG)

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội). (Ảnh QUÝ TÙNG)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, năm 2024, công tác tuyển sinh cơ bản ổn định như những năm trước. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh và rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1. Bộ GD và ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học và trung học phổ thông (THPT) công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo; xử lý nghiêm các vi phạm. Theo đề án tuyển sinh đã công bố của phần lớn các trường đại học công lập cơ bản giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2023. Một số trường không tăng hoặc tăng không đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong đó, Trường đại học Kinh tế quốc dân năm 2024 xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh không đổi so với năm 2023, tuyển 6.200 sinh viên. GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cơ bản giữ ổn định tuyển sinh như năm 2023 với ba phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển thẳng dự kiến chiếm tỷ lệ 2%, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiếm tỷ lệ 18% và phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm tỷ lệ 80% tổng chỉ tiêu. Trường đại học Kinh tế quốc dân xét tuyển theo mức độ ưu tiên từ cao xuống thấp trong các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký; nếu đã trúng tuyển nguyện vọng có ưu tiên cao hơn, thí sinh sẽ không được xét các nguyện vọng có mức độ ưu tiên tiếp theo.

Trường đại học Ngoại thương cũng giữ ổn định tuyển sinh trong năm 2024 với sáu phương thức gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đạt giải kỳ thi học sinh giỏi hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, thí sinh chuyên THPT; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2024; xét tuyển thẳng. Riêng ngành Kinh tế chính trị xét tuyển đặc thù. Trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.130 chỉ tiêu, cơ bản ổn định như năm 2023.

Trong khi nhiều trường công lập cơ bản giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh thì một số trường ngoài công lập tăng chỉ tiêu khá nhiều và đã triển khai xét tuyển sớm. Trong đó, Trường đại học Hòa Bình tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sớm từ ngày 15/1. Trường triển khai bốn phương thức xét tuyển gồm: Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ), kết quả tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học cùng nhóm ngành đào tạo; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các đại học, trường đại học khác; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD và ĐT. Theo Nhà giáo Nhân dân, PGS, TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, năm 2024, trường triển khai nhiều học bổng cho thí sinh trúng tuyển như: Học bổng khuyến khích nhập học; học bổng doanh nghiệp (15 tỷ đồng); học bổng tài năng; chính sách hỗ trợ thí sinh vùng khó khăn… Với 21 ngành đào tạo, Trường đại học Hòa Bình dự kiến tuyển 2.339 chỉ tiêu, tăng 82% so với năm 2023 (1.279 chỉ tiêu).

Trường đại học Thành Đô triển khai xét tuyển sớm, nhận hồ sơ từ ngày 18/1 đến ngày 30/4. Năm 2024, trường tuyển sinh 14 ngành đào tạo, tăng hai ngành mới so với năm 2023. Trong khi đó, số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là 2.320, tăng hơn 50% so với năm 2023 (1.530 chỉ tiêu). Trường đại học Thành Đô cũng triển khai năm loại học bổng gồm: Học bổng cộng đồng, học bổng tài năng, học bổng đồng hành, học bổng tiếp sức và học bổng công nghệ trị giá hàng tỷ đồng. Trong khi đó, theo GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, trường tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, trong đó, xét tuyển sớm đợt một được triển khai từ ngày 1/3 đến ngày 30/4. Với việc tuyển sinh 55 ngành, năm 2024, Trường đại học Phenikaa cũng dự kiến tuyển 11.296 chỉ tiêu, tăng 3.628 chỉ tiêu so với năm 2023 (7.668 chỉ tiêu).

Theo Bộ GD và ĐT, năm 2024, quy chế tuyển sinh chung vẫn giữ ổn định, không có thay đổi. Các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh và có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau, như: xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT..., vì vậy thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường công bố. Hầu hết các trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước nhưng có thể thay đổi phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Thí sinh cần chuẩn bị đúng các hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là khi các trường có tổ chức xét tuyển sớm). Đáng chú ý, thí sinh dù có tham gia xét tuyển sớm, và có kết quả là đã trúng tuyển thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó lên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD và ĐT thì mới có giá trị xét tuyển cuối cùng. Các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào.

Thứ trưởng GD và ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tuyển sinh năm 2024 tiếp tục duy trì ổn định và phát huy kết quả đạt được của những năm trước để làm tốt hơn, hiệu quả hơn, đúng hơn. Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cần triển khai trên hệ thống phần mềm. Bộ GD và ĐT sẽ công bố sớm chỉ tiêu cho những trường được ấn định chỉ tiêu. Trong thời gian tới, bộ sẽ nghiên cứu siết chặt không để các trường vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh; bảo đảm xác định chỉ tiêu công bằng, đúng quy định. Các trường cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thực hiện tuyển sinh đúng quy chế, kế hoạch. Thanh tra Bộ GD và ĐT cùng với các đơn vị chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tuyển sinh nhằm thực hiện nghiêm quy chế. Các bộ, ngành liên quan phối hợp chỉ đạo phát triển ngành nghề đào tạo, tuyển sinh và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện tốt nhất các quy định tuyển sinh.

Theo Nhân dân

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/214459/thuc-hien-nghiem-cac-quy-dinh-trong-tuyen-sinh-dai-hoc