Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ: Yếu tố cốt lõi để xây dựng Đảng

Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bao gồm: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, nguyên tắc tập trung dân chủ được xác định là yếu tố cốt lõi để xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh.

Đảng viên phát biểu ý kiến tại một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Quang Thái

Đảng viên phát biểu ý kiến tại một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Quang Thái

Kết hợp hài hòa, khoa học giữa tập trung và dân chủ

Trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, tập trung dân chủ được coi là nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác. Theo Tiến sĩ Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II), tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hòa, khoa học giữa tập trung và dân chủ, tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Việc Đảng ta coi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, quy tụ sức mạnh, trí tuệ của tập thể và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện trong việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình, chuẩn bị kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Những chủ trương lớn được công bố rộng rãi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận dân chủ, rộng rãi từ cơ sở; thể hiện trí tuệ tập thể, là “ý Đảng, lòng dân”. Nhờ đó, Thành ủy đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… được nhân dân ủng hộ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được thể hiện trong sinh hoạt Đảng, thông qua việc chấp hành sinh hoạt định kỳ nghiêm túc; tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Nguyên tắc này cũng được thể hiện trong công tác cán bộ, từ khâu quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển… đều bàn bạc, thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Thành ủy, cấp ủy các cấp đã phát huy cao độ trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ, phân cấp, ủy quyền, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

“Việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ tại đảng bộ có vai trò to lớn trong xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân, ít phát sinh những vấn đề bức xúc, bất đồng, chia rẽ trong nội bộ Đảng và xã hội”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nói.

Quang cảnh hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân quận Ba Đình. Ảnh: Trọng Hiếu

Quang cảnh hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân quận Ba Đình. Ảnh: Trọng Hiếu

Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tại Đảng bộ thành phố vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn biểu hiện hình thức, thiếu dân chủ, ít lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, ý kiến nhân dân; việc thực hiện nội dung “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi còn lúng túng…

Để khắc phục hạn chế, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho rằng, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ rất quan trọng, phải tôn trọng ý kiến cấp dưới, nếu không dễ trở thành độc đoán, xuôi chiều. Còn theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc, để công tác nhân sự tạo được sự thống nhất cao, Ban Tổ chức Thành ủy luôn tham mưu xây dựng đề án nhân sự qua nhiều khâu, xin ý kiến từ cấp cơ sở.

Trong khi đó, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã kiến nghị các nhóm giải pháp để phát huy hơn nữa dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở thành phố Hà Nội. Đáng chú ý là việc trước khi ban hành chủ trương, kế hoạch, quyết sách liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của đảng viên, nhân dân phải lấy ý kiến rộng rãi của đảng viên và nhân dân trước khi thực hiện.

Nhấn mạnh 4 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Song hành với việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị về các nguyên tắc của Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm; không ngừng mở rộng dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, bảo đảm quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình… Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ để lựa chọn đúng người có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực vượt trội, có tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất trong sáng…

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, việc mở rộng dân chủ phải đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực theo hướng quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể nhưng không ngừng đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng và các nguyên tắc, quy định của Đảng nói chung.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1063100/thuc-hien-nguyen-tac-tap-trung-dan-chu-yeu-to-cot-loi-de-xay-dung-dang